Sinh mạng con người là quan trọng nhất trong phòng, chống thiên tai. Bình Định còn tàu cá vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ. Kiến nghị bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai. Cà Mau đầu tư hơn 23 triệu USD phát triển kinh tế thuỷ sản.
SINH MẠNG CON NGƯỜI LÀ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Minh Phúc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chốngthiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra vào chiều 20/04, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá, Công tác phòng ngừa rủi ro và ứng phó thiên tai trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả rất rõ ràng. Trong đó, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai ngày càng chính xác hơn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cho rằng, các loại hình thiên tai cực đoan ngày càng phức tạp và khó dự báo, trong khi nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và nhân lực chuyên trách chưa tương xứng. Điển hình như năm 2022 và 2023 nước ta vẫn ghi nhận trường hợp người mất do thiên tai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai phải lấy việc bảo đảm sinh mạng của con người là quan trọng nhất. Do đó, cần tập trung phòng ngừa rủi ro giống như phương châm của ngành Y tế là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tập trung nguồn lực tăng cường công tác cảnh báo, dự báo và truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống thiên tai.
BÌNH ĐỊNH CÒN TÀU CÁ VI PHẠM IUU BỊ NƯỚC NGOÀI BẮT GIỮ
Đình Thung
Ngày 20/4, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định -IUU tại Cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đánh giá: Bình Định là một trong những tỉnh triển khai khá tốt công tác chống khai thác vi phạm IUU. Đặc biệt, Cảng cá Quy Nhơn đã thực tốt công tác ghi chép nhật ký; kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Nhưng đáng tiếc là trong những tháng đầu năm 2023, Bình Định vẫn còn 3 tàu cá đánh bắt vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ.
Dự kiến từ ngày 24 - 31/5, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của châu Âu lần thứ 4 với các nội dung về thực thi pháp luật tại các cảng cá và Chi cục thủy sản các tỉnh.
Sáng 21/4, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU” tại Bình Định.
KIẾN NGHỊ BỔ SUNG DANH MỤC ĐẤT CHO CHĂN NUÔI VÀO LUẬT ĐẤT ĐAI
Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi vừa gửi văn bản kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi do hiện nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi.
Chưa tính đến quỹ đất cho nhu cầu mở rộng quy mô đàn vật nuôi theo Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 thì quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi là rất lớn, từ nay đến năm 2025 sẽ cần đến hàng trăm ngàn ha.
Về đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở chăn nuôi, Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị, rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn Việt Nam.
CÀ MAU ĐẦU TƯ HƠN 23 TRIỆU USD PHÁT TRIỂN KINH TẾ THUỶ SẢN
Văn Vũ
Dự án phát triển thuỷ sản tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại với tổng mức đầu tư 536 tỷ đồng, tương đương 23,1 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế là 19,5 triệu USD và vốn đối ứng là 3,6 triệu USD.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Dự án phát triển thuỷ sản bền vững khi triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi thuỷ sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản nước lợ, vùng sản xuất giống.
Thủy sản là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ngành hàng tôm, mỗi năm đem về cho địa phương khoảng 1 tỷ USD.
Cà Mau hiện có hơn 280.000 ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước, với sản lượng hàng năm trên 180.000 tấn, chiếm 22% sản lượng tôm cả nước.