Số lượng bò sữa chết ở Lâm Đồng vượt 200 con. Cà Mau đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá. Đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động hiệu quả. Thu nửa triệu đồng mỗi ngày từ nghề làm đẹp cho giày dép.
Số lượng bò sữa chết ở Lâm Đồng vượt 200 con
Phương Chi sản xuất
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tính đến chiều 12/8, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 5.350 con bò xuất hiện tình trạng tiêu chảy, 237 con bị chết.
Trong đó, huyện Đơn Dương 172 con chết; huyện Đức Trọng 63 con chết; huyện Lâm Hà 2 con chết.
Hiện Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã xuất 1.800 lít hóa chất để các địa phương khử trùng tiêu độc.
Bên cạnh lực lượng chính của các huyện, tỉnh Lâm Đồng đã huy động được 74 người, trong đó có 12 chuyên gia của Cục Thú y; 25 người thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 24 bác sỹ thú y, thú y viên của các địa phương khác.
Cục Thúy y và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tổ chức điều tra dịch tễ, mổ khám, lấy mẫu bệnh phẩm; mẫu vacxin để kiểm định tìm nguyên nhân gây bệnh.
Phác đồ điều trị tiêu chảy cho đàn bò cũng đã được ban bố, trong đó khuyến cáo người nuôi dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp để bổ sung cho bò, bê đã được tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục hoặc các vacxin khác trước đó.
Cà Mau đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá
Trọng Linh – Văn Vũ sản xuất
UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành 13 cảng cá. Trong đó, 1 cảng cá loại I, 6 cảng cá loại II và 6 cảng cá loại III.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thành 13 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 2 khu cấp vùng và 11 khu cấp tỉnh, đảm bảo sức chứa lên đến 7.700 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão an toàn.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 5.239 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương đầu tư hơn 1.541 tỉ, ngân sách địa phương hơn 657 tỷ đồng. Vốn ngoài ngân sách nhà nước, các nguồn vốn huy động, vốn xã hội hóa, vốn hợp pháp khác chiếm đến hơn 3.040 tỉ đồng.
Mục tiêu chung của Đề án là nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân.
Đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động hiệu quả
Văn Vũ sản xuất
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, địa phương hiện có 345 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình, đạt 100% kế hoạch.
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá mất kết nối vẫn còn xảy ra thường xuyên.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 80 tàu mất kết nối trên 6 tiếng, 13 tàu mất kết nối trên 10 ngày, 44 tàu mất kết nối nhiều ngày trên 6 tháng.
Qua công tác theo dõi, Chi cục Thủy sản tỉnh đã kịp thời liên hệ chủ phương tiện và ngư dân có tàu cá từ 24 mét trở lên khắc phục lỗi mất kết nối theo thông báo của Cục Thủy sản.
Thời gian tới , địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị cùng nhà mạng để hỗ trợ người dân biện pháp xử lý; đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả.
Thu nửa triệu đồng mỗi ngày từ nghề làm đẹp cho giày dép
Thanh Nga sản xuất
Bốn góc chợ thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh có đến gần chục cơ sở hành nghề cứu những đôi dày dép cũ. Mỗi ngày, người thợ sử dụng những chiếc hộp nhỏ với cái kéo, cái đục, máy mài... để biến những đôi giày hỏng của khách trở lại mới như xưa.
Tiền công thu từ 20.000-70.000 đồng/đôi, tùy theo mức độ hư hỏng và thời gian sửa chữa. Với lượng khách ổn định trong hàng chục năm qua, bình quân mỗi ngày các cơ sở tại đây thu từ 200 – 500 ngàn đồng tiền lãi. Vào dịp Tết, lượng khách hàng đông hơn, thu nhập có thể lên đến gần 1 triệu đồng/ngày.