Nuôi sò huyết trong vuông tôm lợi nhuận gần tỷ mỗi năm. Cả nước chỉ còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch tạo 'bản sắc' của mỗi nhà bán lẻ. Tiền Giang: Vốn hoạt động bình quân 1 hợp tác xã khoảng 1 tỷ đồng.
Nuôi sò huyết trong vuông tôm lợi nhuận gần tỷ mỗi năm
Văn Vũ sx
Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang được nhiều hộ dân tại tỉnh huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau phát triển mạnh. Mô hình ít tốn chi phí nhưng đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình ở vùng ven biển
Theo nhiều hộ dân, với ao tôm rộng khoảng 2 ha, thả 4 triệu con sò, sau 8-12 tháng thả nuôi có thể thu về 5-7 tấn sò thịt, với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước, cho biết, huyện Cái Nước có trên 3.000 ha nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm. Sò huyết dễ thích nghi với nguồn nước phù sa, không làm ảnh hưởng đến năng suất khi nuôi trong vuông tôm, không tốn thức ăn nên mang lại giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy, đây là mô hình đa con trên cùng diện tích cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Cả nước chỉ còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Minh Phúc khai thác
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo danh sách này, tính đến 18/10, cả nước chỉ còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, giảm mạnh so với con số 210 thương nhân được Cục Xuất nhập khẩu công bố 2 tháng trước.
TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân, tiếp theo là TP. Cần Thơ với 35 thương nhân; Long An với 22 thương nhân; An Giang với 16 thương nhân, Đồng Tháp có 16 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân.
Gạo là một trong những nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao trong 9 tháng qua.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, trị giá 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước, là kết quả xuất khẩu cao nhất trong 10 năm.
Tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch tạo “bản sắc” của mỗi nhà bán lẻ
Thanh Thủy sx
Sáng 19/10, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản trong nước ”.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng câu chuyện kết nối thị trường không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với thị trường trong nước. Việc sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường được cho là yêu cầu tất yếu để cung đáp ứng cầu, tránh lãng phí.
Các nhà bán lẻ hiện nay cũng xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về sản phẩm như sản xuất xanh, sạch, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi người lao động… Đây được coi như “bản sắc” của mỗi nhà bán lẻ và các nhà sản xuất muốn tiếp cận kênh này cũng cần quan tâm, nắm bắt thông tin bên cạnh đảm bảo tuân thủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Tiên Giang: Vốn hoạt động bình quân 1 hợp tác xã khoảng 1 tỷ đồng
Minh Đảm
Sáng 19/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp Tiền Giang có 189 hợp tác xã với hơn 46 nghìn thành viên và hơn 2 nghìn lao động, tổng vốn hoạt động trên 189 tỷ đồng, bình quân 1 tỷ đồng/hợp tác xã.
Đặc biệt, trong số 177 sản phẩm OCOP được chứng nhận của Tiền Giang có 22 sản phẩm thuộc 15 chủ thể là hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao. Hiện có 28 hợp tác xã nông nghiệp đang chủ trì các dự án liên kết tiêu thụ theo Nghị định 98 của Chính phủ. 59 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP.