Tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng để đảm bảo đà tăng trưởng sau bão. Bản Đửa thiệt hại nặng nề do lũ quét. Hỗ trợ ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Rừng tràm Vị Thủy: Hệ sinh thái độc đáo vùng ĐBSCL.
Tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng để đảm bảo đà tăng trưởng sau bão
(Lê Bình)
Sáng 3/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025.9 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm còn 4.257 ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316 ha và 3.936 ao, lồng, bè, vèo, chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản.Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, trong đó nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, ngoài việc tập trung phòng chống dịch bệnh trên các loài thủy sản thì Cục Thủy sản, Cục Thú y và các địa phương còn phải phấn đấu về năng suất. Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm, nuôi trồng thủy sản cần phải tăng cường hơn nữa để phục hồi sau cơn bão và duy trì được đà tăng trưởng ngành thủy sản hàng năm là từ 3,5 - 4%, chiếm tỉ trọng trong ngành nông nghiệp khoảng 28%.
Bản Đửa thiệt hại nặng nề do lũ quét
Việt Khánh sx
Vừa qua trên địa bàn huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn bất thường, riêng bản Đửa, xã Lượng Minh xuất hiện cả lũ quét gây thiệt hại nặng nề.
Nhiều người dân bản Đửa khẳng định đây là trận thiên tai lớn nhất từ trước đến nay. Mưa lũ đã cuốn trôi nhiều vật dụng, trang thiết bị và làm hư hỏng nhiều tài sản có giá trị của nhân dân.
Toàn bản Đửa có 86 hộ dân, trong đó phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Dân bản chủ yếu làm nông nghiệp, lâu nay vẫn giữ thói quen chăn thả gia súc trong rừng. Khi thiên tai kéo đến nhiều nhà chưa kịp lùa trâu, bò về khu vực tránh trú an toàn, vì thế mức độ thiệt hại nhiều khả năng còn tăng lên.
Theo ông Lô Văn Du, trưởng bản Đửa, người dân lúc này đang thiếu thốn đủ bề, rất cần sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng để sớm gượng dậy.
Hỗ trợ ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Chiều ngày 2 tháng 10, Cục Hải quan Bình Định tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp gỗ và chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại hội nghị, Cục Hải quan Bình Định đã đưa ra một số lưu ý về các lỗi vi phạm thường gặp để các doanh nghiệp chú ý thực hiện, tránh những sai phạm không đáng có, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời giới thiệu một số điểm mới quan trọng liên quan đến quy định miễn thuế; những quy định mới đối với hàng xuất khẩu sang thị trường EU… Sự hỗ trợ này giúp các doanh nghiệp thông quan hàng hóa được nhanh chóng, tránh phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi…
Rừng tràm Vị Thủy: Hệ sinh thái độc đáo vùng ĐBSCL
Văn Vũ sx
Rừng tràm Vị Thủy thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tinh Hậu Giang được coi là một trong những hệ sinh thái độc đáo nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rừng tràm có diện tích khoảng gần 145 ha, đây được xem là nơi thích hợp cho các hệ sinh vật, các loài chim hoang dã sinh sống. Ngoài ra, đất đai màu mỡ của khu sinh thái cũng rất thích hợp để nuôi thủy hải sản nước ngọt và trồng cây ăn quả.
Ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, rừng tràm Vị Thủy được xem là dự án đầu tư cho ngành du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tạo đà để phát triển về du lịch sinh thái, du lịch sông nước và du lịch miệt vườn. Hiện tại, rừng tram đang trong quá trình xây dựng và dự kiến tới cuối năm 2025 sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành khu sinh thái rừng tràm Vị Thủy sẽ là nơi bảo tồn quan trọng và là điểm du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan.