Mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL gấp 72% cả nước. Thanh long tăng giá, nông dân dừng phá vườn cây. Không có chuyện cửa khẩu số làm chậm thông quan. Doanh nghiệp thủy sản đón sóng tăng trưởng.
Mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL gấp 72% cả nước
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, ĐBSCL là khu vực đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Thuốc BVTV hóa học được sử dụng tại ĐBSCL cũng cao hơn mức trung bình cả nước gần 72%, trong đó Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học cao xấp xỉ 3 lần cả nước, nhưng việc sử dụng vẫn chưa đạt hiệu quả. Đáng chú ý, tình trạng “lách luật” đưa các hoạt chất thuốc BVTV có tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại vào các cửa hàng vật tư nông nghiệp để bán dưới dạng chế phẩm đăng ký với cơ quan y tế tại nhiều địa phương gây hiểu lầm và sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm.Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại nhiều địa phương là nhiệm vụ tiên quyết của ngành.
THANH LONG TĂNG GIÁ TRỞ LẠI, NÔNG DÂN DỪNG PHÁ VƯỜN CÂY
Sau một thời gian dài sụt giá, hiện nay trái thanh long ở địa bàn tỉnh Tiền Giang có giá tăng trở lại. Nhà vườn đang tích cực chăm sóc, cải tạo vườn cây để đón nhận những mùa bội thu.Ở thời điểm này, nhà vườn bán trái thanh long ruột rắng và ruột đỏ ở mức từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; tăng 2 lần so với tháng trước. Tuy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nhưng với mức giá này người trồng cây thanh long vẫn có lãi vài nghìn đồng/kg.Thanh long tăng giá do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có chuyển biến tốt. Nhà vườn xử lý cho cây ra hoa rải vụ nên không dội hàng. Hiện nay, nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang tích cực chăm sóc, cải tạo vườn cây theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Tình trạng phá bỏ cây thanh long để trồng các loại cây ăn trái khác đã lắng dịu.Tỉnh Tiền Giang có gần 10.000 ha vườn cây thanh long; trong đó có hơn 2.000 ha thanh long tăng giá trồng theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP cho sản lượng 67.000 tấn/năm.
KHÔNG CÓ CHUYỆN CỬA KHẨU SỐ LÀM CHẬM THÔNG QUAN
Trao đổi thông tin với Báo Nông Nghiệp Việt Nam về thông tin tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đánh giá, việc triển khai nền tảng quản lý cửa khẩu số” tại cửa khẩu Tân Thanh khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài, thậm chí xuất hiện ùn ứ tại Km 0.Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết: “Sau khi nhận được thông tin từ phía Quảng Tây, Sở đã cùng các đơn vị liên quan rà soát hoạt động "cửa khẩu số" và không phát hiện vấn đề ùn tắc".Cá biệt có trường hợp xảy ra việc thời gian thông quan lâu hơn, là do một số doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định, không khai báo trước khi đưa hàng lên cửa khẩu. Do đó, Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ các quy định về khai báo cửa khẩu số theo Luật Hải quan.
DOANH NGHIỆP THỦY SẢN ĐÓN SÓNG TĂNG TRƯỞNG
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS - Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu ổn định là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng tốt của tiêu thụ thủy sản, Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì vị trí dẫn đầu trong kế hoạch phát triển chiến lược đến năm 2030. Theo đó, sản lượng thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 9,8 triệu tấn, đóng góp bởi 7 triệu tấn sản lượng nuôi trồng và 2,8 triệu tấn sản lượng đánh bắt. Mục tiêu tăng trưởng đạt 14 tỷ USD vào năm 2030 cao hơn nhiều so với mức 8,9 tỷ USD vào năm 2021.Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, 5 tháng đầu năm, các nhà máy chế biến cá tra trên cả nước đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm nay.Dù vẫn còn nhiều rủi ro và khó khăn phải giải quyết, nhất là giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí vận chuyển, nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản trong quý I/2022 tăng rất mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng kỷ lục.