Thông tắc dòng vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp. Hơn 2ha chuối mất trắng do ngập úng. Nông dân chung tay thu gom rác thải thuốc BVTV. Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ thân cây chuối.
Thông tắc dòng vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật cholúa carbon thấp
Thảo Phương sx
Sáng nay, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về vấn đề sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) theo cơ chế đặc thù để phục vụ dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhà tài trợ dự kiến của Dự án là Ngân hàng Thế giới và thời gian thực hiện sẽ kéo dài trong 6 năm, từ 2026 - 2031. Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ tiếp cận các tổ chức hỗ trợ tài chính cho giảm phát thải và thị trường tín chỉ lúa carbon thấp chất lượng cao cho lúa gạo, trước mắt là nguồn vốn của TCAF trị giá 40 triệu USD, kèm theo khoản viện trợ không hoàn lại 4 triệu USD.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bên cần làm việc để xác định rõ thế nào là cơ đặc thù, khi áp dụng cơ chế đặc thù đó thì sẽ vướng mắc ở đâu so với cơ chế hiện hành, từ đó mới đưa ra được giải pháp. Tới đây, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ hướng dẫn quy trình, thủ tục đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án sử dụng vốn vay nước ngoài để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Hơn 2ha chuối mất trắng do ngập úng
Hùng Khang sx
Tại khu vực bãi bồi giữa sông Hồng, thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lũ, mực nước sông Hồng dâng cao đã khiến hơn 2 ha chuối của người dân bị ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân xã Vĩnh Ngọc cho biết, mưa lũ đã làm nước sông Hồng dâng cao, Vườn chuối của gia đình ông Nguyễn Văn hồng, xã Vĩnh Ngọc bị ngập sâu trong nước nhiều ngày dẫn đến thối rễ và chết. Thiệt hại lên đến hàng chục triệu đồng.
Trước thực trạng trên, để đảm tính mạng và tài sản cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đề nghị các địa phương khu vực ven sông Hồng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố sạt lở, có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Nông dân chung tay thu gom rác thải thuốc BVTV
Kim Sơ sx
Ông Đinh Minh Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn xã có 520 ha đất canh tác lúa. Hàng năm, người dân sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh rất lớn. Trước đây, nông dân đều có thói quen vứt bừa bãi vỏ, chai thuốc BVTV trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân.
Tuy nhiên từ năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh mở 2 lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, đồng thời lắp đặt 30 bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng. Ngoài ra, địa phương cũng lắp thêm 20 bể thu gom nữa. Nhờ đó, đến nay trên 80% rác thải vỏ, chai thuốc BVTV, tương đương trên 1 tạ/vụ đã được địa phương thu gom xử lý.
Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ thân cây chuối
Văn Vũ sx
Thân cây chuối tưởng chừng bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc thì hiện nay đã được HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 (xã Minh thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) thu mua để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị.
Theo đó, thân chuối được tách ra từng bẹ và đưa vào máy ép bẹ cho mềm, bớt nước, phơi nắng khoảng 4 ngày đến khi khô thì bó lại với nhau. Bẹ chuối khô có độ dẻo dai, độ bền tốt được sản xuất thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cơ bản như rổ, giỏ xách, nón… Hiện sản phẩm được tiêu thụ các tỉnh miền Tây và TP.HCM.
UBND huyện U Minh Thượng là địa phương có diện tích đất trồng chuối lớn nhất tỉnh Kiên Giang với khoảng 2.700ha. Việc HTX tận thu mua để sản xuất đồ mỹ nghệ không chỉ tăng thu nhập cho người trồng chuối mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân.