Thủ tướng và Bộ NN-PTNT giải đáp hàng loạt kiến nghị 'thời sự' của nông dân. Nhật Bản là điểm đến đầu tiên của lô vải thiều Thanh Hà xuất khẩu năm 2022. Đến năm 2050 cả nước sẽ có 184 cảng cá. Xuất khẩu xoài sấy tăng gần 180%/năm.
THỦ TƯỚNG VÀ BỘ NN-PTNT GIẢI ĐÁP HÀNG LOẠT KIẾN NGHỊ CỦA NÔNG DÂN
Sáng nay (29/5), tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban ngành đã trả lời nhiều kiến nghị của nông dân. Đối với vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đây là vấn đề được nhiều bà con kiến nghị của nông dân rất quan tâm. Thực tế hiện nay nhiều nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cùng về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng các bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để quy hoạch, xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu.Còn đối với vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được hàng hoá thuận lợi sang thị trường này, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản.
NHẬT BẢN LÀ ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TIÊN CỦA LÔ VẢI THIỀU THANH HÀ XUẤT KHẨU NĂM 2022
Sáng 29/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành đã tham dự lễ khai hội, mở vườn vải xuất khẩu, hội thi trải nghiệm thu hoạch vải và cắt băng đưa chuyến xe đầu tiên chở vải thiều Thanh Hà đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, năm 2022, diện tích vải toàn tỉnh giữ ổn định gần 9.000 ha, tổng sản lượng vải dự kiến khoảng 60.000 tấn. Ngoài duy trì vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP của năm 2021, toàn tỉnh đã mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP, đưa tổng số vùng sản xuất vải VietGAP lên 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha; GlobalGAP lên 11 vùng với tổng diện tích 110 ha. Ngoài ra, gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.
ĐẾN NĂM 2050 CẢ NƯỚC SẼ CÓ 184 CẢNG CÁ
Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương có mục tiêu đến năm 2050, cả nước có 184 cảng cá, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng hơn 2,9 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến là 60.370 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách.Trong thời kỳ này, sẽ có các dự án quan trọng quốc gia là xây dựng 5 cảng cá loại 1 là cảng cá động lực trong các Trung tâm nghề cá lớn gồm: Cảng cá Bạch Đằng thuộc TP Hải Phòng; cảng cá Thọ Quang thuộc TP Đà Nẵng; cảng cá Bá Bạc thuộc tỉnh Khánh Hòa; cảng cá Gò Găng thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cảng cá Tắc Cậu thuộc tỉnh Kiên Giang.
XUẤT KHẨU XOÀI SẤY TĂNG GẦN 180%/NĂM
Theo nghiên cứu vừa được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn công bố, do tác động bởi Covid-19, giai đoạn 2019-2021, giá xoài trong nước mỗi năm giảm 8% trong khi giá xoài xuất khẩu tăng 3%/năm. Dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá nhưng cước vận chuyển và chi phí lao động tăng mạnh vẫn khiến lợi nhuận của các bên tham gia chuỗi dù giá trị giảm đáng kể.Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi nhuận 55%, nông dân giảm gần 67%, còn các chủ vựa thu mua giảm gần 92%.Tuy vậy, xoài sấy có tốc độ tăng trưởng gần 180%/năm nhờ bảo quản được lâu, không bị áp lực thời gian như xoài tươi.