Thủ tướng yêu cầu giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển. Rà soát diện tích trồng cà phê, cao su xuất khẩu sang châu Âu. Phát triển du lịch sinh thái dưới rừng ngập mặn. Giá cà phê có xu hướng tăng trở lại.
Thủ tướng yêu cầu giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển
Minh Phúc khai thác
Ngày 4-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Công điện gửi bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, trước khi đoàn thanh tra củaEC đến thanh tra lần thứ 5 (dự kiến trong quí 2 năm 2024), các bên có liên quan tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Cùng với đó là theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS (không báo cáo vị trí 6 tiếng một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 6 tháng, 01 năm; lập danh sách theo dõi, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm).
Rà soát diện tích trồng cà phê, cao su xuất khẩu sang châu Âu
Hùng Khang sx
Chiều ngày 4/11 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra hội nghị triển khai kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng EUDR.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cùng thảo luận và đóng góp ý kiến liên quan đến quy định chống phá rừng EUDR.
Kể từ tháng 1/2025, quy định về chống phá rừng của Ủy ban châu Âu sẽ được áp dụng. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6 năm 2025.
Tại Việt Nam những ngành hàng chủ lực như cà phê, cao su, gỗ, và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chịu ảnh hưởng bởi các quy định lần này.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh chỉ còn 14 tháng nữa để chuẩn bị, do vậy các địa phương có các sản phẩm cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu cần rà soát các diện tích rừng để đảm bảo không vi phạm Quy định chống phá rừng Ủy ban châu Âu.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI DƯỚI RỪNG NGẬP MẶN
Văn Vũ sx
Nông trại tôm khỏe tại xã Vĩnh Hậu, Huyện Hòa Bình, được xem là mô hình du lịch sinh thái dưới rừng ngập mặn đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, mô hình kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp và bảo vệ rừng phòng hộ.
Nông trại được xây dựng từ năm 2018, với diện tích khoảng 6ha, chủ yếu trồng rừng, nuôi tôm, cua và nhiều loại hải sản theo quy trình tự nhiên. Bên cạnh đó, còn kết hợp xây dựng dịch vụ giải trí, du lịch cho khách du lịch tham quan.
Anh Bùi Quốc Dương, chủ nông trại Tôm Khỏe cho biết, nông trại đặt tên Tôm Khỏe là với mong muốn thúc đẩy những quy trình nuôi trồng thủy sản sạch từ đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mang lại những nguồn tôm cá chất lượng kết hợp tham quan, bảo tồn tài nguyên rừng ngập mặn cho cộng đồng.
Giá cà phê có xu hướng tăng trở lại
Minh Phúc khai thác
Giá cà phê robusta và arabica trên thế giới có xu hướng tăng trở lại vào phiên cuối tuần này, khi USD giảm mạnh, số liệu tồn kho tiếp tục sụt xuống thấp, trong khi các nguồn cung vẫn chưa có các tín hiệu rõ ràng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tăng 44 USD, giao dịch ở mức 2.372 USD mỗi tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 tăng 38 USD, giao dịch ở mức 2.323 USD mỗi tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 cũng tăng 5,55 Cent.
Ngoài việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần qua, giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng tích cực còn do Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vẫn duy trì dự báo nguồn cung niên vụ mới 2023/2024 sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao, bất chấp các nước sản xuất chính như Brasil, Việt Nam, Colombia có sản lượng tăng. Trong khi, quý III/2023, nhu cầu tiêu thụ cà phê của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chịu ảnh hưởng do tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát kéo dài và căng thẳng địa chính trị.