Thụy Sĩ tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Phát triển du lịch cộng đồng từ vùng chè hữu cơ. Giá cá thát lát cao nhất trong 3 năm. Tây Ninh có 200ha giống sắn kháng bệnh khảm lá.
THỤY SĨ TĂNG NHẬP KHẨU CÀ PHÊ TỪ VIỆT NAM
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế cho biết, 3 tháng đầu năm nay, Thụy Sĩ nhập khẩu cà phê từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các nguồn cung cà phê cho Thụy Sĩ chủ yếu từ Brazil, Colombia, Việt Nam, Ấn Độ và Costa Rica.Trong quý 1/2023, Thụy Sĩ giảm nhập khẩu cà phê từ Brazil, nhưng tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức 2,6% về lượng và 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,82 nghìn tấn, trị giá 10,81 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sĩ tăng từ 8,56% trong quý I năm ngoái lên 9,17% trong quý I năm nay.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỪ VÙNG CHÈ HỮU CƠ
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến trải nghiệm vùng chè Tân Cương, từ cuối năm 2021, UBND xã Tân Cương đã phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tiến hành khảo sát các hộ kinh doanh chè, nhà hàng … có tiềm năng đất đai, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm kinh doanh và có tầm nhìn để xây dựng chuỗi dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng. Vừa qua, địa phương chính thức thành lập được Liên hiệp HTX du lịch cộng đồng Tân Cương, đầu mối là HTX chè Hảo Đạt. Hiện Liên hiệp HTX đang tiếp tục gắn kết các đơn vị tham gia mô hình chè hữu cơ, hỗ trợ cấp chứng nhận đạt chuẩn canh tác hữu cơ để cùng phát triển du lịch. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Cương, khách du lịch đến với vùng chè Tân Cương - Thái Nguyên là để trải nghiệm cảnh quan đồi chè, quy trình sản xuất truyền thống, an toàn và tạo những sản phẩm chất lượng cao. Đó là hướng phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
GIÁ CÁ THÁT LÁT CAO NHẤT TRONG 3 NĂM
Khoảng một tháng trở lại đây, giá cá thát lát nguyên liệu bỗng dưng tăng mạnh. Theo ghi nhận, giá cá thát lát nguyên liệu được thương lái ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu mua tại ao ở mức 145 nghìn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và theo đánh giá đây là giá bán cao nhất từ trước đến nay. Với giá bán như hiện tại, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, người nuôi lãi hơn 90 nghìn đồng/kg cá nguyên liệu. Giá bán dù rất cao nhưng số lượng người nuôi trúng giá rất ít, nguyên nhân là do những năm qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 nên giá cá ở mức thấp, người nuôi treo ao nhiều. Ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cho biết: “Người nuôi cá thát lát cần cẩn trọng khi quyết định tái đàn, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ chưa liên kết được về ra. Bởi hiện nay khi giá cá nguyên liệu tăng sẽ kéo theo các khoảng chi phí như: cá giống, thức ăn tăng theo. Khi giá cá nguyên liệu sụt giảm hoặc bình ổn như mọi năm người nuôi sẽ tiếp tục lỗ”.
TÂY NINH CÓ 200 HA GIỐNG SẮN KHÁNG BỆNH KHẢM LÁ
Tân Châu là thủ phủ cây sắn của tỉnh Tây Ninh với trên 18.000 ha. Sau khi có một số giống sắn hoàn toàn kháng khảm như HN1, HN5 và HN97 vào năm 2020, Trạm khuyến nông Tân Châu phối hợp với bà con nông dân triển khai trồng và nhân giống. Đến nay, toàn huyện có khoảng 200 ha giống kháng khảm. Theo ông Dương Thanh Phương, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Tân Châu, các giống kháng khảm HN rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, cây phát triển nhanh, ít tốn phân thuốc, năng suất cao, đạt từ 40-45 tấn/ha. Hiện địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhân giống bằng nhiều phương pháp, sớm đáp ứng nhu cầu sản xuất toàn huyện và hỗ trợ bà con trong tỉnh