Tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó tỉnh Thái Nguyên. Tăng thu nhập nhờ nuôi vịt trên sàn lưới. Giảm diện tích dừa bị thiệt hại do sâu bệnh. Xuất khẩu gạo có thể đạt trên 7,5 triệu tấn.
'TIẾP LỬA' CHO HỌC SINH NGHÈO TẠI THÁI NGUYÊN
Báo Nông nghiệp Việt Nam ‘tiếp lửa’ cho học sinh nghèo tại Thái Nguyên Ngày 23/9, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và Báo Nông nghiệp Việt Nam trao 100 xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó tại tỉnh Thái Nguyên. Chương trình trao tặng xe đạp lần này được thực hiện tại 3 huyện Phú Bình, Võ Nhai và Định Hóa. Trong sáng và chiều nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị đồng hành đã tổ chức trao 20 xe tại huyện Phú Bình và 40 xe tại huyện Võ Nhai. 40 xe còn lại sẽ được trao tặng tại huyện Định Hóa nhân dịp trương trình đêm hộ Trăng rằm sẽ diễn ra tối nay.Theo đại diện Ban Tuyên Giáo tỉnh uỷ Thái Nguyên, mỗi chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng đã được trao tặng sẽ đồng hành cùng các em học sinh khó khăn tại địa phương, tiếp thêm động lực để các em viết tiếp những ước mơ, hoài bão của mình.
TĂNG THU NHẬP NHỜ NUÔI VỊT TRÊN SÀN LƯỚI
Văn Vũ - Sản xuất
Nếu như trước đây, người dân thường nuôi vịt theo kiểu chăn thả trên đồng hay kênh rạch, thì hiện nay nhiều nông dân tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã áp dụng hình thức nuôi vịt trên sàn lưới. Theo người dân, lưới được dùng làm sàn thường lưới nhựa, chi phí đầu tư không cao, rất phù hợp với vùng sông nước, hạn chế về đất đai phục vụ chăn nuôi. Để làm sàn 30m2 nuôi khoảng 500 con vịt thì chi phí khoảng 3 triệu đồng và thời gian sử dụng từ 3-4 năm. Bên cạnh đó, ưu điểm của cách làm này là dễ vệ sinh chuồng trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, mô hình nuôi vịt trên sàn lưới là mô hình mới tại địa phương, giúp người nuôi quản lí khâu cho ăn và phòng trị bệnh tốt. Ngoài ra, do nuôi theo hình thức xen kẽ nên nguồn cung luôn được đảm bảo. Đặc biệt do nuôi theo quy trình sạch nên giá bán vịt được nuôi trên sàn lưới thường cao hơn 5 đến 10.000 đồng/kg so với vịt nuôi thả theo cách truyền thống.
GIẢM DIỆN TÍCH DỪA BỊ THIỆT HẠI DO SÂU BỆNH
Khai thác
Theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng dừa cả nước khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 ha. Đứng trước các cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và các thị trường khác như châu Âu, bà con nông dân đã chủ động thay đổi quy trình sản xuất. Điều phấn khởi là nhờ áp dụng các giải pháp sinh học, các loại sinh vật gây hại trên cây dừa đã kéo giảm, trong khi chất lượng trái vẫn đạt yêu cầu.
Thời gian qua, các đối tượng gây hại chủ yếu là bọ cánh cứng, bọ vòi voi và sâu đầu đen. Trong số này, diện tích nhiễm bọ cánh cứng còn hơn 12.500 ha, giảm gần 4.000 hha so với năm ngoái. Riêng sâu đầu đen hại dừa chỉ còn 950 ha.
XUẤT KHẨU GẠO CÓ THỂ ĐẠT TRÊN 7,5 TRIỆU TẤN
Khai thác
Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt trên 921.000 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.
Tính chung trong 8 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm. Giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng qua đã tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 triệu USD/tấn. Gạo Việt chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đạt 4,24 triệu tấn, tương đương 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng và tăng 46,3% trị giá.