Tránh tình trạng nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Giá trị ngành quế có thể nâng lên 22.000 tỷ đồng. Giá tiêu sắp chạm mốc 75.000 đồng/kg. Trung Quốc cấp phép cho 845 cơ sở chế biến, bao gói thủy sản Việt Nam. Đồng loạt tổng vệ sinh ngăn dịch tả lợn Châu Phi lan rộng. Bắt quả tang tàu đang hút cát trái phép trên biển.
Tránh tình trạng nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới
Minh Phúc khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn về việc bảo đảm chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo đó, cấp tỉnh và huyện thực hiện thẩm tra, thẩm định các xã cần bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ tiêu chí và chất lượng đạt chuẩn; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra, thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tránh tình trạng nợ tiêu chí hoặc thiếu các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn NTM, nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Công tác thẩm tra, thẩm định cần bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, phải có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan liên quan của địa phương phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu; chỉ xem xét, tổ chức thẩm tra, thẩm định và công nhận với các địa phương đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện, mức đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo quy định
Giá trị ngành quế có thể nâng lên 22.000 tỷ đồng
Hoài Thơ khai thác
Theo Bộ NN và PTNT Việt Nam, tính đến ngày 15/11/2023, Việt Nam là nước xuất khẩu quế đứng đầu thế giới và là nước sản xuất quế lớn thứ ba toàn cầu. Với diện tích trồng quế là 180 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu quế tại Việt Nam năm ngoái đạt 292,2 triệu USD, chiếm 17% thị trường quế toàn cầu. Cả nước có trữ lượng vỏ quế ước tính từ 900.000 đến 1,2 triệu tấn và mỗi năm thu hoạch thêm từ 70.000 đến 80.000 tấn. Năm nay, tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 74.744 tấn quế, trị giá 220,3 triệu USD.
Khoảng 85% quế của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, một phần nhờ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ, mang lại mức thuế suất thuận lợi. Tuy nhiên, phần lớn hàng xuất khẩu này ở dạng thô. Phó giáo sư Ô Văn Trần, Giảng viên cao cấp và nguyên Trưởng khoa Thực phẩm tại Đại học Dược Hà Nội cho biết, việc nâng cấp công nghệ chế biến quế ở Việt Nam có thể nâng giá trị ngành lên tới 22 nghìn tỷ đồng hàng năm.
Giá tiêu sắp chạm mốc 75.000 đồng/kg
Hoài thơ khai thác
Giá tiêu hôm nay (ngày 5/12) trong khoảng 71.500 - 74.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 73.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 71.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 71.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 74.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Ở trong nước thời điểm này, dòng vốn kinh doanh nông sản đang bị hút về cà phê. Với mức giá này, nhiều nông dân đang hy vọng vào vụ thu hoạch sắp tới tiếp tục được giá. Giá tiêu tăng dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2024 giảm, cộng với tồn kho trong nước năm nay không còn được bao nhiêu thúc đẩy giá tiêu đi lên.
Trung Quốc cấp phép cho 845 cơ sở chế biến, bao gói thủy sản Việt Nam
Hoài Thơ khai thác
Thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN và PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, thời gian vừa qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê... xuất khẩu sang Trung Quốc tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá, đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng.
Đặc biệt, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa. Đây là thời cơ vàng cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác để khai thác tiềm năng của thị trường này.
Đồng loạt tổng vệ sinh ngăn dịch tả lợn Châu Phi lan rộng
Thanh Nga sx
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh vừa đề nghị 13/13 huyện, thị xã, thành phố đồng loạt triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại các vùng dịch, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật trong tháng 12/2023, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lan rộng.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn khuyến cáo thời điểm nhạy cảm này, người dân không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại. Các lực lượng chức năng liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe.
Bắt quả tang tàu đang hút cát trái phép trên biển
(Lê Bình sx)
Sáng ngày 5/12, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu số hiệu BTr - 7688 vận chuyển khoảng 80 m3 cát không rõ nguồn gốc về tới cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tàu BTr - 7688 được lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện, tiến hành kiểm tra khi tàu này đang hút cát từ dưới biển lên tàu. Trên tàu có 4 thuyền viên do anh Nguyễn Vũ Linh, (SN 1994, quê Bến Tre) làm thuyền trưởng. Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đã hút được khoảng 80 m3 cát nhiễm mặn, nhưng không có giấy tờ chứng minh hợp pháp theo quy định của pháp luật.