Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vượt mốc 2 tỷ USD. Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm. Bắc Giang duy trì 285 mã số vùng cây ăn quả xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ số trong tiếp thị sản phẩm nông sản.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vượt mốc 2 tỷ USD
Thanh Thủy khai thác
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng trong 10 tháng đã đạt gần 2,1 tỷ USD, cao kỷ lục, chiếm tỷ trọng 51% trong nhóm rau quả Việt Nam .
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất chiếm 97% thị phần, đạt gần 1,9 tỷ USD.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD. Tháng 12, sản lượng sầu riêng tiếp tục giảm mạnh nên giá có thể tiếp tục lập đỉnh mới. Cục trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ phía nhà nhập khẩu để giữ uy tín cho hàng Việt.
Trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi tôm
Thanh Nga sx
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng, tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà.
Trước đó, từ đầu năm 2023, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn VietGAP tại cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng, với quy mô 0,8 ha. Để áp dụng quy trình VietGAP, các hộ dân được hỗ trợ bộ kit test môi trường ao nuôi, lập sổ ghi chép nhật ký sản xuất, qua đó cơ sở đã áp dụng quy trình thực hành VietGAP, nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Qua kiểm tra và đánh giá, Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ Thủy sản Việt Nam đã cấp chứng nhận VietGAP cho 15 tấn tôm nuôi tại mô hình. Giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 11/11/2025.
Bắc Giang duy trì 285 mã số vùng cây ăn quả xuất khẩu
Thanh Thủy khai thác
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, toàn tỉnh đang duy trì 285 mã số vùng cây ăn quả xuất khẩu. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu hiện nay cơ bản đáp ứng các yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, tại một số địa phương còn hiện tượng mạo danh, mượn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…
Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện, thành phố chủ trì thực hiện thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ cấp mã số và đảm bảo duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Thiết lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung hoặc thu hồi, hủy các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Ứng dụng công nghệ số trong tiếp thị sản phẩm nông sản
Phương Chi – Kim Sơ sx
Ngày 4/11, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo tập huấn Kỹ năng khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu, xu hướng thị trường cho từng nhóm sản phẩm nông sản.
Tại buổi hội thảo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho biết, để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, cần xây dựng chiến lược cụ thể cho từng sản phẩm, xác định các thị trường tiềm năng và phát triển chiến lược thị trường phù hợp, nhằm tối ưu hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, cần triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông, thủy sản chuyên canh, tập trung, chú trọng ứng dụng công nghệ cao để phát triển cả về năng suất, chất lượng, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu thị trường và phân tích các yếu tố như văn hóa, tiêu dùng, và dịch vụ là cực kỳ quan trọng để đảm bảo thành công trong kinh doanh và xuất khẩu.