Trồng vú sữa Bơ Hồng xuất khẩu, lãi 700 triệu/ha. Độc đáo mô hình cà phê nông dân. Nuôi dê nhốt, cho nghe nhạc, nông dân lãi lớn. Phụ nữ Khmer làm giàu từ đôi tay khéo léo.
Trồng vú sữa Bơ Hồng xuất khẩu, lãi 700 triệu/ha
Văn Vũ sx
Hiện nay đang bước vào đầu vụ thu hoạch vú sữa bơ hồng để xuất khẩu tại hợp tác xã nông nghiệp Xóm Đồng 2, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc trăng. Không khí rất tất bật và vui vẻ. Bởi năm nay ngoài trúng giá thì còn trúng mùa khi năng suất tăng khoảng 30% so với cùng thời điểm năm trước.
Anh Trần Văn Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 cho biết, cây vú sữa bơ hồng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch, vú sữa bơ hồng có đặc tính vỏ mỏng, trọng lượng từ 450 - 700 gram/trái. Với giá bán được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận hơn 700 triệu đồng/ha. Hiện HTX đang phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Kế Sách để nhân rộng mô hình rải vụ trên cây vú sữa bơ hồng.
Độc đáo mô hình cà phê nông dân
(Nguyễn Thủy sx)
Từ đam mê về cây mai, cùng với sự vận động của Hội Nông dân huyện Bình Chánh và Hội Nông dân xã Bình Lợi, anh Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai Hữu Đức quyết tâm mở quán Cà phê nông dân tại số 852 đường Vườn Thơm, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Đây là mô hình cà phê nông dân đầu tiên của huyện Bình Chánh, là nơi kết nối bà con nông dân để cùng giao lưu, chia sẻ những kỹ thuật hay, những giống mai độc, cách ung phân bón, thuốc trừ sâu sao cho hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân vùng đất này, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn tại huyện ngoại thành TP.HCM.
Theo Hội Nông dân huyện Bình Chánh, trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này tại các xã trên địa bàn huyện.
Nuôi dê nhốt, cho nghe nhạc, nông dân lãi lớn
Đinh Mười sx
Tận dụng không gian trống khu vực trang trại nuôi trồng thủy sản rộng gần 10ha, anh Phạm Trung Hiếu, 43 tuổi, trú tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã trồng cỏ voi và bỏ nhiều tỷ đồng đầu tư chuồng trại để nuôi gần 300 con dê boer.
Quá trình nuôi dê thay vì khai thác tối đa, mỗi năm anh Hiếu chỉ cho đàn dê đẻ 1 lứa để đảm bảo sức khỏe. Thông thường, dê nuôi từ sinh ra đến đến lúc xuất từ 9-10 tháng sẽ xuất bán thương phẩm. Một con bình quân có trọng lượng từ 35 đến 40kg.
Qua tìm hiểu, nhận thấy nhiều mô hình cho động vật nghe nhạc nên anh Hiếu có áp dựng thử và thấy hiệu quả. Bản chất của dê rất hiếu động nhưng khi cho nghe nhạc đã hiền hơn, không nhảy nhiều, không xô đàn, ăn uống tốt hơn.
Tính bình quân mỗi năm tôi sẽ tăng đàn thêm được 150 con. Với trọng lượng từ 30-40kg/con và giá thị trường như hiện nay, trung bình mỗi con dê tôi lãi tiền triệu trong vòng từ 8-9 tháng.
Phụ nữ Khmer làm giàu từ đôi tay khéo léo
Hồ Thảo sx
Ở Làng nghề bánh tét Trà Cuôn, thuộc huyện Châu Thành và Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, những ngày này, những người thợ làm bánh đang tất bật để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho khách.
Chị Thạch Thị Di, người dân tộc Khmer và là tiên phong trong việc phát triển làng nghề cho biết, trước đây nguyên liệu chủ yếu để làm bánh tét bao gồm lá chuối, trái chuối, gạo, nếp, đậu xanh, và thịt heo. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dung, chị Di thêm vào trứng vịt muối, thịt nạc heo, tôm khô...và đầu tư vào các thiết bị hiện đại như máy hút chân không, máy trộn nếp, máy xào nhân, và các quy trình sản xuất tiên tiến khác. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ ngon miệng, bắt mắt mà còn có khả năng bảo quản được từ 7-10 ngày.
Trong dịp lễ Tết, cơ sở bánh tét 9 Di sản xuất từ 5 - 7.000 chiếc bánh/ngày, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động tại địa phương. Sản phẩm "Bánh tét 9 Di" đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Giải nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2023.