Trung Quốc vươn lên thành thị trường nhập khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. Giá heo giảm sâu dưới giá thành, chăn nuôi Bình Phước tái cơ cấu toàn diện. Cà phê lại mất mốc 48.000 đồng/kg. 500ha khoai lang sẵn sàng chờ cấp mã vùng trồng.
TRUNG QUỐC VƯƠN LÊN THÀNH THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU CHÍNH CỦA HỒ TIÊU VIỆT NAM
Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - VPA, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất được trên 40.800 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 128 triệu USD, tăng 33% về giá trị so với cùng kỳ 2022.Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của hồ tiêu Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng,trong đó, Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ chủ lực của hồ tiêu Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, khi đạt trên 10.200 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng và tăng 760% so với cùng kỳ.Một số thị trường khác cũng có lượng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh như UAE: 2.655 tấn, tăng 40%; Phlippines: 1.129 tấn, tăng 36%.Ngoài ra, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta tại một số nước châu phi và Trung Đông cũng tăng như: Senegal, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran… sen ne gồ
GIÁ HEO GIẢM SÂU NGÀNH CHĂN NUÔI BÌNH PHƯỚC ĐỀ RA GIẢI PHÁP
– Trần Trung
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện giá heo hơi của địa phương tiếp tục giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn phát triển nhanh. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 2,7 triệu con.Để đạt được mục tiêu, Ngành nông nghiệp địa phương sẽ tập trung định hướng chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng bệnh, nâng cao năng lực dự báo, kiểm tra và giám sát an toàn sinh học trên đàn gia súc. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát, quản lý đối với động vật, sản phẩm động vật xuất, đẩy mạnh chăn nuôi tập trung.
CÀ PHÊ LẠI MẤT MỐC 48.000 ĐỒNG/KG
Giá cà phê hôm nay (11/3) tại thị trường trong nước quay đầu giảm 400 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua, giao dịch trong khoảng 47.400 - 47.800 đồng/kg.Như vậy, sau 3 phiên tăng liên tiếp và vượt mức 48.000 đồng/kg vào hôm qua, giá cà phê hôm nay đã mất mốc này.Theo các chuyên gia, dù giá cà phê giảm nhưng vẫn ở mức cao so với ngưỡng cao nhất ngày 8/2 (43.900 – 44.400 đồng/kg).Nguyên nhân là do bên cạnh yếu tố giá cà phê thế giới tăng do được hỗ trợ bởi các thông tin thâm hụt cung - cầu, các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, lao động đều tăng cao đã phần nào đẩy giá cà phê trong nước cao hơn.Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, nhiều dự báo cho thấy ngành cà phê Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được bảo đảm cả về sản lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
500HA KHOAI LANG SẴN SÀNG CHỜ CẤP MÃ VÙNG TRỒNG
Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, diện tích khoai lang của địa phương tương đối lớn, dao động từ 7.000 - 10.000 ha/năm. Do đó, Đăk Lăk xác định cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.Sau khi Bộ NN-PTNT thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Chi cục đã vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất để tạo vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng.Hiện nay chi cục đã thiết lập xong hồ sơ, đề xuất cấp mã vùng trồng cho 500ha để kiểm tra trong thời gian tới. Vụ sản xuất đông xuân Đăk Lăk có khoảng 2.500ha khoai lang. Do đó, địa phương cũng đang xây dựng thiết lập hồ sơ cho hơn 1.000ha để gửi cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá trong các đợt tiếp theo.