Mong thoát điệp khúc 'được mùa mất giá'
Những ngày đầu tháng 3, gia đình ông Phạm Quốc Hưng (ngụ thôn 3, xã Ea Rbin, huyện Lắk) cùng hơn 30 hộ dân khác đang tất bật chuẩn bị cho công tác đánh giá mã vùng trồng khoai lang của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Gia đình ông Hưng có 7ha đất canh tác khoai lang hơn 10 năm nay. Những năm trước, giá cả bấp bênh, năng suất không đạt vì ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh. Nhưng khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch khoai lang Việt Nam, các doanh nghiệp tìm về địa phương để liên kết thiết lập mã vùng trồng xuất khẩu.
Hiện ông Hưng và các hộ nông đan khác đã thành lập Tổ hợp tác để nâng số diện tích canh tác khoai lang cho đủ điều kiện cấp một mã vùng trồng. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng giúp người trồng khoai lang tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra nên yên tâm sản xuất.
"Những năm trước giá khoai lang rơi vào khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Kể từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch hiện mỗi ký được thương lái thu mua 12.000 đồng. Nếu giá này giữ vững đến hết vụ, người trồng khoai lang có lãi lớn”, ông Hưng vui mừng cho biết.
Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Quảng (ngụ thôn 3, xã Ea Rbin, huyện Lắk) cũng có hơn 3ha đất trồng khoai lang chuẩn bị được đánh giá, cấp mã vùng trồng trong những ngày tới. Khi chính quyền thông báo thành lập Tổ hợp tác để liên kết lập hồ sơ mã vùng trồng người dân rất ủng hộ. Bởi nếu khoai lang được xuất khẩu chính ngạch thì giá cả được nâng cao, người dân không phải lo việc được mùa mất giá.
Nâng chất lượng để phục vụ cả trong nước
Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hương Cao Nguyên hiện đang tiến liên kết và xây dựng 12 mã vùng trồng khoai lang cho hơn 1.000ha của nông dân, tổ hợp tác và HTX tại các huyện Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar, Lắk và Ea H’leo.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hương Cao Nguyên, doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng thêm ở các địa phương lân cận như Gia Lai, Đắk Nông trong thời gian tới. Về cơ sở đóng gói, doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói với công suất 150 tấn/ngày, tạo việc làm cho 100 người.
Khi liên kết nông dân liên kết với doanh nghiệp, Công ty Hương Cao Nguyên sẽ hỗ trợ người trồng khoai lang xây dựng, thiết lập mã vùng trồng. Hỗ trợ kỹ thuật để người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các hộ dâni.
"Mã vùng trồng là điều kiện bắt buột để truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu, mang lại sự ổn định đầu ra cho khoai lang và giá trị trên 1ha. Hiện tại hồ sơ công ty đã hoàn thiện, nộp cho cơ quan có thẩm quyền và đang chờ phê duyệt, cấp mã để xuất công hàng đầu tiên sang Trung Quốc”, ông Tùng thông tin.
Còn ông Nguyễn Hoàng Vỹ, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa cho biết, khi có thông báo Trung Quốc cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch, doanh nghiệp đã liên kết với người dân xây dựng mã vùng trồng cho hơn 130ha tại các huyện của tỉnh Đăk Lăk.
“Doanh nghiệp đã thiết lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng để tổ chức đánh giá, cấp mã vùng trồng. Về cơ sở đóng gói, công ty nhập dây chuyền hiện đại để sơ chế, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Hiện nay doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục chỉ cần phía Trung Quốc đánh giá xong thì có thể xuất khẩu”, ông Vỹ chia sẻ.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết, diện tích khoai lang của địa phương tương đối lớn, dao động từ 7.000 - 10.000 ha/năm. Do đó, Đăk Lăk xác định cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực, vì diện tích tương đối lớn.
Sau khi Bộ NN-PTNT thông báo khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Chi cục đã vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất để tạo vùng nguyên liệu lớn đủ điều kiện cấp mã vùng trồng.
“Hiện nay chi cục đã thiết lập xong hồ sơ, đề xuất cấp mã vùng trồng cho 500ha để kiểm tra trong thời gian tới. Còn cơ sở đóng gói thì hiện nay địa phương có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa và Công ty Cổ phần xuất khẩu Hương Cao Nguyên đã chuẩn bị xong các hồ sơ. Hiện nay công tác chuẩn bị đã sẵn sàng chỉ còn chờ phía Hải quan Trung Quốc đánh giá và cấp mã”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, vụ sản xuất đông xuân Đăk Lăk có khoảng 2.500ha khoai lang. Do đó, địa phương cũng đang xây dựng thiết lập hồ sơ cho hơn 1.000ha để gửi cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá trong các đợt tiếp theo.
"Để được cấp mã vùng trồng thì bà con nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng chung tay kiểm soát tốt nhất về sâu bệnh hại, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc nâng cao chất lượng không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ cả thị trường trong nước", ông Lê Văn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk.