Lần đầu tiên tại ĐBSCL nhân tạo thành công giống cá chạch lửa. Tìm hướng giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhu cầu tiêu thụ tương nếp tăng mạnh. Xuất khẩu gạo sang Pháp tăng trưởng 5 con số.
Lần đầu tiên tại ĐBSCL nhân tạo thành công giống cá chạch lửa
Lê Hoàng Vũ SX
Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) vừa phối hợp với Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ vừa công bố kết quả đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá chạch lửa”.
PGS. TS Phạm Thanh Liêm, Chủ nhiệm đề tài cho biết, việc cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá chạch lửa, nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá này với các biện pháp nuôi vỗ.
Cá chạch lửa hiện sống ít ngoài thiên nhiên, giá bán cao gấp 2 – 3 lần so với cá chạch đồng. Cá chạch lửa nuôi nhiều năm có thể đạt trong lượng từ 1,5 – 2kg/con. Với thân hình đẹp, màu sắc bắt mắt, giống cá này được giới chơi cá cảnh tại TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL ưa chuộng, giá bán từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/con (tùy kích cỡ và màu sắc).
TÌM HƯỚNG GIẢM SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI
Thanh Thủy
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Trung tâm quốc tế giảm thiểu kháng kháng sinh Đan Mạch (ICARS) mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, vấn đề tồn dư kháng sinh là một bài toán đối với các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Vắc xin được nhiều tập đoàn lớn sử dụng nhưng đáp ứng miễn dịch vẫn còn hạn chế. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ICARS tiếp tục trao đổi với Cục Thú y, các đơn vị liên quan tìm hướng hợp tác nghiên cứu về giảm sử dụng kháng sinh và giảm thiểu kháng kháng sinh trong chăn nuôi lợn, gia cầm tại Việt Nam trong thời gian tới.GS. Anders Dalsgaard, Tư vấn Khoa học cao cấp ICARS - một trong những tổ chức đầu tiên có sự hỗ trợ phát triển thủy sản Việt Nam chia sẻ đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng về việc kiểm soát sử dụng kháng sinh và hoá chất trong nuôi trồng thủy sản. Đây là mảnh ghép để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Nhu cầu tiêu thụ tương nếp tăng mạnh
Quang Linh khai thác – Quang Dũng đọc off
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mức tiêu thụ tương của Làng nghề tương nếp Úc Kỳ trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tăng mạnh khi người tiêu dùng tìm đến các món ăn truyền thống.
Nắm bắt nhu xu thế này, Làng tương nếp Úc Kỳ đã chủ động tích trữ sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, tương nếp Úc Kỳ không những được tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất bán ra nhiều tỉnh, thành phố. Với giá bán bình quân từ 25 đến 30 nghìn đồng/lít tương, mỗi hộ chuyên làm tương trong xã thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Trong năm 2023, Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ đã cung cấp ra thị trường trên 2 triệu lít tương, tạo nguồn thu hàng tỷ đồng.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, trong tháng 1 năm nay, đã có 18 nghìn tấn gạo được xuất khẩu sang Pháp, trị giá gần 19 triệu đô la Mỹ. Đây là con số rất ấn tượng vì tăng tới hơn 16 nghìn phầm trăm về lượng và hơn 18 nghìn phần trăm về kim ngạch so với tháng 12 năm 2023; trong khi tháng 1 năm 2023 không có một hạt gạo nào của Việt Nam xuất sang thị trường này. Giá gạo xuất khẩu sang Pháp trong tháng 1 ở mức rất cao, mỗi tấn đạt trung bình 1.040đô la Mỹ.
Với lượng và kim ngạch như trên, Pháp đã lọt vào Top 5 thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 1 năm nay, chiếm hơm 5 phần trăm cả về lượng và giá trị.