Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác nâng cao giá trị thương mại nông sản. Gỡ vướng trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Quán triệt yêu cầu thực tiễn đổi mới công tác báo chí. Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 73%.
Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác nâng cao giá trị thương mạinông sản
Đức Minh sx
Tại hội thảo tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực Nông nghiệp đến năm 2030 vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua chủ yếu tập trung vào chuyển giao công nghệ phát triển cây nhiên liệu sinh học, các giống rau cao cấp, công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển cây ăn quả ôn đới, phát triển khuyến nông, ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp; thúc đẩy thương mại nông sản có thế mạnh của hai nước.
Qua đó Bộ trưởng cũng đề nghị bên cạnh các chương trình, dự án hợp tác truyền thống, “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2024-2030” cần tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của hai Bên; Đa dạng hóa các loại hình hợp tác từ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến các hình thức đầu tư mới như đối tác công tư, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; Khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp; Nâng cao chất lượng và giá trị thương mại nông lâm thủy sản giữa giữa hai nước…
Gỡ vướng trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam
Kim Anh – Văn Vũ sx
Hiện nay, các doanh nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu nông sản riêng để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Đặc biệt là sản phẩm gạo. Tuy nhiên những sản phẩm này chưa phải là đại diện của quốc gia.
Đây là băn khoăn của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 18/3, tại TP Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trăn trở, vấn đề nhãn hiệu và thương hiệu của các sản phẩm ở các cấp độ khác nhau như cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế và mỗi doanh nghiệp, địa phương sẽ sử dụng tùy theo góc độ đó.
Ba vấn đề cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu nông sản được đưa ra là kế hoạch tổng thể quốc gia; cơ chế khuyến khích quản lý, phát triển và cơ chế quản lý thương hiệu.
Quán triệt yêu cầu thực tiễn đổi mới công tác báo chí
Trần Phi sx
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác xã hội năm 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng nay, các đại biểu đã tổng kết, đánh giá lại hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024; biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; nâng cao năng lực của các cấp hội trong quản lý; hướng dẫn các cấp hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023.
Hội nghị cũng quán triệt yêu cầu của thực tiễn đối với đổi mới công tác báo chí, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, đặc biệt là về sự thay đổi về tiêu chí đoạt giải báo chí; thống nhất chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925/ 21/6/2025).
Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 73%
Ngọc Tú sx
Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Bắc Kạn đạt 73,38%. So với năm 2022 tăng 0,03%. Với kết quả này Bắc Kạn chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Là tỉnh miền núi, kinh tế rừng là hướng phát triển chủ đạo của tỉnh Bắc Kạn, thu nhập từ trồng rừng mang lại hiệu quả cao cho người dân. Tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gỗ, hiện nay đã có hàng chục nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.