Việt Nam - Trung Quốc hợp tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản Vịnh Bắc Bộ. Tôm Việt Nam chiếm trên 50% thị phần tại Hàn Quốc. Hà Nội dự kiến tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề. Giá bán cá tra Việt Nam tại Algeria lên tới 220.000 đồng/kg.
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC HỢP TÁC TÁI TẠO NGUỒN LỢI THUỶ SẢN VỊNH BẮC BỘ
Sáng 18/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tham dự Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển Vịnh Bắc bộ năm 2022 tại bán đảo Tuần Châu (TP Hạ Long). Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực Vịnh Bắc bộ nằm trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc bộ được ký giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc từ năm 2017. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến đề nghị hai nước tiếp tục có những hoạt động hợp tác chung trong lĩnh vực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản chung trong Vịnh Bắc Bộ cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; giao cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác của hai bên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2019 và 2020-2022, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai giai đoạn tiếp theo.
TÔM VIỆT NAM CHIẾM TRÊN 50% THỊ PHẦN TẠI HÀN QUỐC
Tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng mạnh trong tháng 3 và trong Quý 1/2022, qua đó đưa tôm Việt Nam chiếm hơn 50% tôm nhập khẩu vào nước này. Cụ thể, tháng 3/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 52,9% về lượng, đạt 4,8 nghìn tấn, trị giá 37,6 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý 1 năm nay, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 12 nghìn tấn, trị giá 95,5 triệu USD.
Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 49,1% trong quý đầu năm 2021, lên 51,04% trong tổng 23,5 nghìn tấn xứ sở Kim Chi nhập khẩu tại quý đầu năm 2022. Nếu tiếp đà tăng trưởng này, tổng giá trị nhập khẩu tôm của Hàn Quốc năm 2022 hoàn toàn có thể đạt ngưỡng tỷ USD, đây là cơ hội không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam có thể tận dụng.
HÀ NỘI DỰ KIẾN TỔ CHỨC FESTIVAL SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về việc tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 2-2022. Sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức vào quý IV-2022 trong thời gian 5 ngày với rất nhiều hoạt động tại Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông). Festival
nhằm giới thiệu những thành quả đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội; trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề Hà Nội…Để thực hiện tốt sự kiện trên, UBND Thành phố yêu cầu chương trình Festival phải được chuẩn bị chu đáo, những sản phẩm, thành tựu được trưng bày tại Festival phải thể hiện đúng chủ đề thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy tiềm năng, quảng bá được hình ảnh nông đặc sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm làng nghề của Hà Nội với cả nước và các tổ chức nước ngoài.
GIÁ BÁN CÁ TRA VIỆT NAM TẠI ALGERIA LÊN TỚI 220.000VNĐ/KG
Trước đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam sang Algeria khoảng 10 triệu USD/năm. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này chỉ đạt 1,5 triệu USD. Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, sau khi giảm mạnh trong năm 2021 do đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chủ yếu là cá tra, basa sang Algeria đang phục hồi. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Algeria đạt hơn 780 nghìn USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Trên thị trường Algeria, philê cá tra Việt Nam được bán với giá khoảng 9,5 USD/kg, mực ống Việt Nam giá 8 USD/kg. Các doanh nghiệp nhập khẩu Algeria cho biết cá tra, basa được người dân nước này ưa chuộng về chất lượng và giá cả. Tuy nhiên, từ hai năm trở lại đây, do tác động của Covid-19, cước vận tải tăng, nên giá bán mặt hàng này đã tăng từ 2 đến 3 lần.