| Hotline: 0983.970.780

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực Vịnh Bắc Bộ

Thứ Tư 18/05/2022 , 10:59 (GMT+7)

QUẢNG NINH Bộ NN-PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển Vịnh Bắc bộ năm 2022. 

Sáng 18/5, tại bán đảo Tuần Châu (TP Hạ Long), Bộ NN-PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung quốc và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển Vịnh Bắc bộ năm 2022. 

Tham dự tại buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và đông đảo học sinh, người dân, tăng ni, phật tử.  

Do quy định về phòng chống dịch Covid, phía Việt Nam và Trung Quốc thống nhất tham dự dưới hình thức phát biểu ghi hình tại buổi lễ, với bài phát biểu của ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc và bà Hy Tuệ, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.  

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn phối hợp thả giống cá song. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn phối hợp thả giống cá song. Ảnh: Nguyễn Thành

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực Vịnh Bắc bộ nằm trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc bộ được ký giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm 2017.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 4 lần hoạt động thả giống tái tạo chung trong Vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid nên năm 2022 là năm đầu tiên hai bên phối hợp tổ chức buổi lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại cùng một thời điểm trong vùng biển thuộc khu vực Vịnh Bắc bộ của mỗi nước.

Tại Việt Nam, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động được các địa phương trên cả nước quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hàng năm, tập trung vào Ngày truyền thống ngành Thủy sản (ngày 1/4).

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Việt Nam tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150.000 kg giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá bỗng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh… Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thả được tổng số hơn 36 triệu con và 60.000 kg giống thủy sản các loại.  

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã thả hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế, bao gồm: tôm sú, cua xanh, cá song, cá vược được chuẩn bị từ nguồn kinh phí của Quỹ hợp tác Trung Quốc - Châu Á ra khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế cao được thả tại khu vực Vịnh Bắc Bộ trong sáng 18/5. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế cao được thả tại khu vực Vịnh Bắc Bộ trong sáng 18/5. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đây là một trong những hoạt động góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá trong khu vực Vịnh Bắc Bộ đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp của hai Bộ và người dân hai nước Việt - Trung.

Nhân dịp này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam đề nghị hai nước tiếp tục có những hoạt động hợp tác chung trong lĩnh vực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản chung trong Vịnh Bắc Bộ cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; giao cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác của hai bên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2019 và 2020-2022, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250 km, diện tích mặt biển trên 6.000km2 với nhiều vịnh, vùng kín gió chạy dọc từ Móng Cái đến Hạ Long. Vùng biển Quảng Ninh đa dạng về địa hình, chất đáy và thành phần loài sinh vật, nên có hệ sinh thái đa dạng rất có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng; có đường biên giới đất liền 118,825 km và 191 km trên biển với Trung Quốc; cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 4 cảng trên biển giúp Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm trung chuyển hàng hoá xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường Trung Quốc và quốc tế.

Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội, tạo tiền đề để ngành thủy sản Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng nhằm phát triển ngành nông nghiệp đất mỏ.

Năm 2021, giá trị tăng thêm kinh tế thuỷ sản theo giá cố định đạt hơn 3.700 tỷ đồng chiếm 2,6% GRDP toàn tỉnh Quảng Ninh và 51% GRDP toàn ngành nông nghiệp địa phương, với tốc độ tăng trưởng 6-8%/năm; giá trị sản xuất theo giá cố định đạt 6.196 tỷ đồng, chiếm trên 45,3% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh; tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.