Việt Nam xuất siêu hơn 6,3 tỉ USD trong tháng 4. Giá xoài Việt Nam xuất sang Nhật Bản chỉ bằng một nửa Thái Lan. Nông sản xuất khẩu chủ lực tỉnh Bắc Giang chinh phục thị trường khó tính. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam tăng 5%.
VIỆT NAM XUẤT SIÊU HƠN 6,3 TỈ USD TRONG 4 THÁNG
Số liệu tử Tổng Cục Thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 102,2 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. xuất siêu
Do đó, Việt Nam xuất siêu khoảng 6,35 tỷ USD, cao hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ Công Thương, trong quý I, xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại, linh kiện, dệt may đều đi xuống. Đầu tuần trước, nguyên nhân là thị trường xuất khẩu các ngành hàng đều gặp khó khăn khi lạm phát cao, sức mua kém, nhất là hàng tiêu dùng không thiết yếu.
GIÁ XOÀI VIỆT NAM XUẤT SANG NHẬT BẢN CHỈ BẰNG MỘT NỬA THÁI LAN
Theo Cơ quan Hải quan Nhật Bản, xoài được nhập khẩu vào nước này có xuất xứ từ Mexico, Peru, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam với sản lượng năm 2022 là hơn 7.600 tấn. Trong đó, Việt Nam 843 tấn, Thái Lan 910 tấn.
Tuy nhiên, giá xoài Việt Nam xuất sang Nhật Bản chỉ 370 yen/kg, tương đương 63.000 đồng/kg. Trong khi đó, xoài Thái Lan có giá 765 yen/kg, tương đương 130.000 đồng/kg.
Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu xoài tươi sang Nhật Bản khi thị trường này chỉ chấp nhận nhập khẩu giống xoài Cát Chu và có thể mở rộng thị phần nếu tương lai Việt Nam có thể đàm phán để mở rộng xuất khẩu thêm các giống xoài khác.
Nhật Bản có yêu cầu tiêu chuẩn cao, sản phẩm khó vào thị trường ngay lập tức nhưng nếu vào được thì có chỗ đứng lâu dài. Người tiêu dùng Nhật Bản luôn có sự nhạy cảm cao nếu liên tục thay đổi mức giá bán của sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn mong muốn có sự ổn định về giá cả, nguồn cung từ các đối tác xuất khẩu Việt Nam.
NÔNG SẢN XUẤT KHẨU CHỦ LỰC TỈNH BẮC GIANG CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13 - 15%/năm; đưa Bắc Giang là tỉnh có cơ cấu xuất nhập khẩu phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bắc Giang có 8 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm các sản phẩm: Lợn, gà, cá, lúa, vải thiều, cam, rau các loại và lạc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt danh mục 14 sản phẩm đặc trưng và 30 sản phẩm tiềm năng... với tổng sản lượng hàng trăm nghìn tấn/năm.
Năm 2022, các sản phẩm chính, như: Vải thiều, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng, rau, củ quả đóng hộp… đạt hơn 100 nghìn tấn, riêng vải thiều tươi đạt 75,5 nghìn tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đạt hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với vụ trước.
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… ưa chuộng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vải thiều đạt 116 triệu USD; rau, củ, quả các loại đạt 10 triệu USD.
SẢN LƯỢNG HỒ TIÊU VIỆT NAM TĂNG 5%
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 tăng khoảng 5% so với năm trước, lên mức 225.000 tấn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất tiêu trọng điểm như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Được biết, tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm nay ước đạt 526.000 tấn so với hơn 537.000 tấn của năm 2022.
Quý 1, Việt Nam đã xuất khẩu gần 77.000 tấn hồ tiêu, mang về hơn 235 triệu USD, tăng 40,5% so với năm trước. Còn trước đó, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị đạt hơn 1,4 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu.