Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến lấy nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng phục hồi nhờ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chôm chôm nghịch mùa giá cao. Vựa rau sông Hồng tất bật vào vụ mới.
XÂM NHẬP MẶN ẢNH HƯỞNG ĐẾN LẤY NƯỚC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Thời điểm này, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong mùa khô nhưng tại một số địa phương, mặn đã xâm nhập vào nội đồng. Tuy mức độ chưa gay gắt nhưng chính quyền và người dân cần chủ động các phương án ứng phó tờ sớm. Tổng cục Thủy lợi dự báo, trong tuần tới, xâm nhập mặn có xu thế tiếp tục tăng theo kỳ triều cường Rằm tháng Giêng âm lịch.Ranh mặn lớn nhất tuần sau có thể xuất hiện từ phạm vi 45 - 55 km trên các cửa sông Cửu Long, từ 55 - 70 km trên cửa sông Vàm Cỏ.
Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 30 - 50 km từ cửa biển vào các ngày triều cường.Trong khi đó, theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12 năm trước và tiếp tục vào các tháng đầu năm 2023, đặc biệt cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường do tác động của biến đổi khí hậu.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN KỲ VỌNG PHỤC HỒI NHỜ HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản - Vasep, tính đến hết tháng 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác nhích nhẹ nhưng cá tra, tôm, cá ngừ đều giảm sâu ở mức hai con số, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã rõ nét từ quý cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2021.Vasep nhận định, so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.
CHÔM CHÔM NGHỊCH MÙA GIÁ CAO
Nhờ được xử lý rải vụ, chôm chôm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL không chịu áp lực khi phải thu hoạch rộ và đang được nông dân bán với giá khá cao. Tại các tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, chôm chôm Java được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 26.000-28.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng. Còn chôm chôm đường đang được nông dân tại nhiều nơi bán ra ở mức 33.000-35.000 đồng/kg, chôm chôm Thái giá 50.000-51.000 đồng/kg, tăng ít nhất từ 5.000-7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng trước.
VỰA RAU VEN SÔNG HỒNG TẤT BẬT VÀO VỤ MỚI
Nằm ven sông Hồng, thôn Đông Cao thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội. Thời điểm này, bà con nông dân nơi đây đang tất bật bắt tay vào vụ mới.Để nâng cao chất lượng rau củ cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, từ tháng 6/2022, Hội Nông dân xã Tráng Việt đã phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao triển khai mô hình “Cánh đồng sạch” trên quy mô 2,6ha. Mô hình hiện có sự tham gia của hơn 100 nông hộ.Vựa rau thôn Đông Cao có diện tích khoảng 300ha, chủ yếu canh tác theo hướng an toàn và VietGAP, hiện đang cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu về rau củ các loại cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.