Xây dựng hệ thống dữ liệu cung - cầu gỗ nguyên liệu. Việt Nam là nước cung cấp rau củ đứng thứ 2 vào Đài Loan. "Vùng xanh" 3 lớp nâng hiệu quả xuất nhập khẩu. Cảnh báo về giống xoài tượng xanh Đài Loan.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG DỮ LIỆU CUNG – CẦU GỖ NGUYÊN LIỆU
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 3 tháng đầu 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ, do gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện chiếm 22,6 % tổng nguồn cung cho chế biến.Trong khi đó, lượng gỗ nhỏ, non chiếm tỷ lệ lớn trong nguồn nguyên liệu nội địa, không thể sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng yêu cầu xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp.Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, các địa phương, doanh nghiệp, cần sớm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng vì nguồn đất ngày càng hạn hẹp. Các đơn vị chức năng cần có sự liên kết với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để xây dựng hệ thống dữ liệu cung – cầu đối với gỗ nguyên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đảm bảo cho chủ rừng có thu nhập ổn định để yên tâm phát diện tích rừng có chứng chỉ FSC và PEFC.
VIỆT NAM LÀ NƯỚC CUNG CẤP RAU CỦ LỚN ĐỨNG 2 VÀO ĐÀI LOAN
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương giá trị nhập khẩu chủng loại hàng rau củ - mã HS 07 của Đài Loan từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 8,9 nghìn tấn, trị giá 8,8 triệu USD, tăng 3,3% về lượng và tăng 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện là thị trường cung cấp rau củ - Mã HS 07 lớn thứ 2 cho Đài Loan, chiếm 16,6% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng ngày.Cũng trong quý 1, 2022, Đài Loan nhập khẩu nhiều nhất chủng loại hành tây, hẹ tây, tỏi tây - mã HS 0703. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chính chủng loại này cho thị trường Đài Loan, tiếp theo là thị trường Argentina và Australia.
"VÙNG XANH" 3 LỚP NÂNG HIỆU QUẢ XUẤT NHẬP KHẨU
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, 3 cửa khẩu đường bộ (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 20 lần phải tạm dừng thông quan do Trung Quốc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua tỉnh Lạng Sơn trong 3 tháng đầu 2022 giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước, riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm hơn 77%.Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành và lực lượng tại cửa khẩu thiết lập 'vùng xanh' an toàn với các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Tân Thanh đã có tới hơn 100 xe xuất, nhập thông quan thành công, qua đó phần nào giải quyết được lượng xe đang tồn tại các khu vực cửa khẩu.Trong thời gian tới, Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng Lạng Sơn sẽ theo dõi, nắm bắt các quy định của phía Trung Quốc, đặc biệt là các biện pháp kiểm tra chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với hàng nông sản, hoa quả để kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương, vùng trồng, thương nhân và doanh nghiệp.
CẢNH BÁO VỀ GIỐNG XOÀI TƯỢNG XANH ĐÀI LOAN
Nông dân Đồng Tháp đang bước vào đợt thu hoạch xoài chính vụ, tuy nhiên giá xoài hiện thấp kỷ lục chỉ khoảng 5.000đ/kg khiến nhiều nhà vườn thua lỗ. Nguyên nhân chính do Trung Quốc hạn chế tiếp nhận nông sản, trong khi phần lớn lượng xoài của địa phương đều phụ thuộc vào thị trường này.Theo ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Trước mắt, ngành chức năng sẽ cảnh báo cho nông dân về giống xoài tượng xanh Đài Loan, nhược điểm của loại xoài này là không sấy được, cũng không chế biến được. Thực hiện rải vụ và chuyển đổi dần sang trồng xoài cát chu, cát Hòa Lộc để dễ chế biến và cấp đông dự trữ.Việc chuyển đổi thực hiện dần dần, giảm mật độ khoảng 30%, để khi phía Trung Quốc nhập trở lại bà con vẫn có nguồn hàng, lộ trình từ 1,5-2 năm sẽ hoàn tất việc chuyển đổi.