Xem xét nâng mức hỗ trợ đảm bảo đời sống của người bảo vệ rừng. Nông dân chưa tiêu thụ được lúa do bị ẩm. Giá rong sụn cao gấp đôi cùng kỳ. 600 tấn hạt tam giác mạch Hà Giang sẽ được xuất sang Nhật vào 2023.
XEM XÉT NÂNG MỨC HỖ TRỢ ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI BẢO VỆ RỪNG
Quảng Bình hiện là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước vềđộ che phủ rừng. Để bảo vệ bình yên những cánh rừng tự nhiên bên dãy Trường Sơn, các cán bộ, nhân viên giữ rừng gặp nhiều khó khăn và áp lực. Trong khi đó, chế độ chi trả cho người giữ rừng còn rất thấp và chậm. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, mức hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng bảo vệ rừng tự nhiên được tỉnh Quảng Bình áp dụng hiện là 200.000 đồng/ha một năm là thấp so với thực tế công việc giữ rừng nhiều áp lực và rủi ro hiện nay. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính phân bổ theo hướng nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/ha/năm để nâng mức thu nhập cho người bảo vệ rừng.
NÔNG DÂN CHƯA TIÊU THỤ ĐƯỢC LÚA DO BỊ ẨM
Tính đến đến hết hết tháng 11, nông dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha trà lúa - tôm của, với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Trong đó, vùng trồng lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm được 970ha, tổng sản lượng hơn 6.300 tấn. tuy nhiên, bà con mới chỉ tiêu thụ được gần 2.500 tấn do nông dân thu hoạch lúa gặp mưa liên tục, dẫn đến lúa bị ẩm, thối ruột, doanh nghiệp từ chối thu mua. Thông tin mới nhất từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, địa phương đã ban hành công văn chỉ đạo Sở NN-PTNT và UBND huyện Thới Bình khẩn trương có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ lúa cho bà con nông dân trong huyện. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp, đại diện HTX và hộ dân có liên quan để trao đổi, thống nhất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài.
GIÁ RONG SỤN CAO GẤP ĐÔI CÙNG KỲ
Rong sụn được trồng nhiều ở một số tỉnh ven biển miền Trung như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, trong đó Ninh Thuận được coi là thủ phủ của loại thực vật này.Được ví như "yến sào của đại dương", rong sụn khô – đặc sản miền biển thường có quanh năm nhưng số lượng không nhiều. Loại rong này sau khi đã phơi khô và qua xử lý hiện được các đơn vị sản xuất bán ra với giá 400.000-500.000 đồng một kg. Mức giá này cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.Theo người dân địa phương tại các vùng biển Phan Rang, Phú Yên, năm nay thời tiết thiếu thuận lợi nên rong sụn nuôi trồng cho sản lượng thấp. Hiện, giá một tấn tại vựa chưa qua xử lý 45-47 triệu đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
600 TẤN HẠT TAM GIÁC MẠCH HÀ GIANG SẼ ĐƯỢC XUẤT SANG NHẬT VÀO 2023
Theo Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hạt tam giác mạch thô làm mì Soba của Nhật Bản là rất lớn. Khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng hạt giác mạch trồng tại Hà Giang cao hơn nhiều so với những nơi khác.Vì vậy trong thời gian vừa qua, Hiệp hội đã và đang triển khai trồng tam giác mạch trên diện tích khoảng 100ha với tổng sản lượng 50 tấn, trồng hầu khắp tại tỉnh Hà Giang, trong đó tập trung nhiều nhất là tại huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang.Dự kiến trong năm 2023, Hiệp hội sẽ xuất khẩu từ 300 đến 600 tấn hạt tam giác mạch Hà Giang sang Nhật Bản.