Ông Huỳnh Văn Cập, ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là người đầu tiên áp dụng phương pháp xông bóng đèn để xử lý cây thanh trà ra trái nghịch vụ tại địa phương.
Những năm gần đây, thanh trà là loại cây mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân tỉnh Vĩnh Long, bởi có thời điểm giá bán trái đặc sản này trên 100 ngàn đồng mỗi kg. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn mỗi năm đến mùa cây thanh trà ngọt thường bỏ vụ hoặc cho năng suất thấp nếu gặp thời tiết bất lợi. Để giải quyết vấn đề trên, lão nông Huỳnh Văn Cập ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu và đã thành công xử lý cho cây thanh trà ngọt ra trái vào mùa nghịch, với năng suất trùng bình khoảng 70kg trái đối với cây 13 năm tuổi.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thành: Trong quá trình thực hiện, anh Năm xử lý thanh trà ra hoa mùa nghịch bằng phương án xông bóng đèn. Nếu thấy thanh trà vừa ra hoa thì anh sẽ không xông nữa và ảnh theo dõi, quá trình thực hiện của anh Năm đạt 80%
Ông Huỳnh Văn Cập, HTX Thanh Trà Đông Thành: Năm nay tôi làm liên tục 4 lần, cách nhau 10 ngày một lần, thấy kết quả nó ra hoa đậu trái cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.
Ông cập cho biết, để cây thanh trà ra hoa, đậu trái nghịch vụ cần rất nhiều yếu tố và kỹ thuật khá phức tạp. Đầu tiên người trồng phải bón phân cho cây ra lá mới, sau đó tưới thuốc tạo mầm rồi xiết nước... kết hợp với xông bóng đèn vào ban đêm kích thích cho cây ra hoa, sau đó phun thuốc theo định kỳ đến khi cây đậu trái, ước tính tỷ lệ thành công khoảng 80%. Tuy nhiên, đây chỉ mới năm đầu tiên ông Cập thực hiện thành công cần thêm thời gian thực nghiệm.
Ông Cập: Để năm tới tôi thực nghiệm một lần nữa thành công rồi bà con nào muốn làm tôi chuyển giao, để bà con cùng làm cùng khá.
Toàn thị xã Bình Minh hiện có khoảng 15ha diện tích trồng thanh trà ngọt do người dân trồng xen với các loại cây khác, sản lượng còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Sáng kiến xử lý cho thanh trà ra trái nghịch vụ của ông Huỳnh Văn Cập tuy mới thành công năm đầu tiên cần thêm thời gian thực nghiệm nhưng cũng mang lại một giải pháp mới nhằm ổn định năng suất cây thanh trà tại địa phương.