Đầu tư thấp, dễ trồng, thu nhập ổn định
Hơn 15 năm theo đuổi miệt mài và dành nhiều tâm huyết với cây ca cao, ông Nguyễn Văn Suối (Hai Suối), một lão nông có nhiều kinh nghiệm, cũng đồng thời được bà con trong nghề bầu làm Giám đốc của Hợp tác xã nông nghiệp Tích Khánh (ở xã Tích Thiện) tự hào chia sẻ, cây ca cao đã giúp bà con xóa đói giảm nghèo, kỹ thuật trồng đơn giản, ai cũng có thể làm được.
Nhiều năm trước, cầm 30 công (3ha) ruộng trong tay nhưng gia đình ông Hai Suối làm mãi không khá lên được nên ông quyết định sang Bến Tre để học tập mô hình trồng ca cao. Sau đó, ông bàn với gia đình chọn 15 công đất để lập vườn trồng chuyên canh 1.200 cây.
Những ngày đầu ông gặp không ít khó khăn bởi ca cao có nhiều giống, khi đưa về vùng đất mới kỹ thuật trồng cũng khó hơn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, cần cù và tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, cây trồng cây mới này cũng không làm khó được ông.
Qua theo dõi, ông nhận thấy cây ca cao dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và hầu như cho trái quanh năm. Giá cây giống chỉ 16.000 đồng/cây. Trồng chuyên canh có thể trồng dày, mật độ 80 cây/1.000m2, nếu trồng xen với vườn dừa có thể trồng dừa khoảng cách 7 - 8m/cây và xen ca cao vào các điểm trống (khoảng 40 cây ca cao và 20 cây dừa).
Từ khi trồng đến 18 tháng tuổi cây bắt đầu ra hoa. Đến khoảng 22 tháng nhà vườn đã có khoản thu nhập đầu tiên từ vườn ca cao. Cây ở tuổi thứ 3 cho năng suất quả 30kg/năm. Mỗi năm sau đó, năng suất tăng thêm từ 5 - 10kg/cây. Đến nay, vườn ca cao của ông Hai Suối đã trưởng thành, cho năng suất ổn định, sản lượng đạt khoảng 80kg/cây/năm.
Hơn một nửa thời gian trong năm (thuận mùa), khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 âm lịch cây ca cao cho sản lượng quả ổn định. Còn lại thời kỳ vườn “treo” (mùa nghịch) sản lượng giảm khoảng 75%. Hiện nay, giá ca cao rất ổn định, bình quân 5.500 đồng/kg, theo tính toán, mỗi năm 15 công ca cao của ông Hai Suối cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
Thực tế, những hộ gia đình có ít đất canh tác, khoảng 2 - 3 công vườn thì trồng chuyên canh ca cao cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Ông Trần Văn Mừng (71 tuổi) ở ấp Tích Phước, xã Tích Thiện đang có 2.000m2 trồng chuyên canh 150 cây ca cao. Tuổi cây đang ở năm thứ 7 nên năng suất mỗi cây hiện khoảng 50kg/năm. Nhờ cây ca cao, nhiều năm nay hàng tuần gia đình ông đều có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình.
“Những tháng rộ, vườn cho thu hoạch gần 200kg trái/tuần, thu được khoảng 1,1 triệu đồng. Vài tháng tháng “treo”, sản lượng giảm chỉ còn khoảng 50kg/tuần thì cũng có thu gần 300.000 đồng/tuần. Tôi lớn tuổi rồi không đi làm gì nổi, thu nhập chủ yếu nhờ ca cao”, lão nông Trần Văn Mừng nói.
Ông cũng cho biết thêm, chi phí đầu tư mỗi tháng chỉ cần bón 1 bao (25kg) phân NPK 20-20-15 cho cả khu vườn, ngoài ra không tốn kém gì thêm. Tổng chi phí phân bón cả năm dao động có vài triệu đồng. Trừ đi chi phí, thu nhập từ vườn cây ca cao của ông Mừng đạt gần 40 triệu đồng/năm.
“Thời điểm trái nhiều, mỗi tuần tôi thu hoạch 3 - 4 tấn trái ca cao, khi trái ít thì còn khoảng 1 tấn/tuần. Trồng cao cao nhẹ công, chi phí ít, với 15 công, mỗi năm tôi chỉ tốn khoảng 30 bao phân NPK 20-20-15 (25kg/bao), còn lại lấy vỏ trái ca cao ủ phân hữu cơ bón trở lại cho vườn. Ngoài ra, không phải phun xịt gì, khi có bệnh mới trị, chủ yếu đề phòng chuột”, ông Hai chia sẻ.
Trồng ca cao xen dừa, thu nhập tăng 2 - 3 lần
Ca cao là một trong những cây trồng có mặt từ lâu tại ĐBSCL, được trồng phổ biến ở nhiều địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ…
Tại tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2006, Sở NN-PTNT tỉnh này đã có dự án hỗ trợ cây giống và chuyển giao kỹ thuật để bà con nông dân trồng xen canh cây ca cao trong các vườn cây ăn trái, chủ yếu là vườn dừa ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.
Trong khi giá cả nhiều loại cây ăn trái khác biến động không ngừng thì giá ca cao được thu mua rất ổn định, người trồng thu nhập khá. Nhờ đó, cây trồng này được người dân quan tâm mở rộng diện tích. Từ đây đã hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã làm đầu mối dẫn dắt, đưa cây trồng này bén rễ, bám đất ở nhiều nơi trong tỉnh.
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Tích Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) là đơn vị “chủ công” trong tổ chức sản xuất và liên kết thu mua ca cao cho bà con nông dân địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, HTX đã liên kết sản xuất cùng các đơn vị, bà con nông dân ở nhiều xã trong và ngoài huyện như thị trấn Trà Ôn, Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Lục Sĩ Thành, Phú Thành (huyện Trà Ôn); Đông Thành (thị xã Bình Minh); Ngãi Tứ, Bình Ninh (huyện Tam Bình); An Phú Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)…
Đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu ca cao của HTX đã lên đến 140ha (khoảng 140.000 cây) với 220 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Suối, Giám đốc HTX Tích Khánh đánh giá: “Nếu trồng ca cao xen dừa sẽ giúp thu nhập tăng lên 2 - 3 lần so với chỉ đơn thuần trồng dừa. Hàng tuần, HTX thu mua cao ca cho bà con với sản lượng 4 - 5 tấn, riêng thời điểm qua Tết Nguyên đán, sản lượng giảm còn khoảng hơn 1 tấn/tuần. Sau khi thu mua, HTX tiến hành bóc vỏ, lấy hạt phơi khô và giao hàng cho 2 doanh nghiệp tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre”.
Ông Nguyễn Văn Kiều (74 tuổi) cùng ngụ ấp Tích Phước đang có trên 15.000m2 vườn dừa xen ca cao. Mỗi công đất ông trồng 20 cây dừa xen thêm 40 cây ca cao. Qua chăm sóc, lão nông này cho biết cây cao cao chịu được nước nhiễm mặn khá tốt (dao động từ 1 - 2%).
Hiện nay, đối với vườn dừa, cứ 2 tháng ông thu hoạch một lần với sản lượng 1.800 – 2.000 trái, giá bán 75.000 đồng/12 trái (hay 6.250/trái), thu nhập dao động khoảng 11 – 12,5 triệu đồng.
Riêng cây ca cao, nay đã 7 năm tuổi, những tháng cho thu hoạch rộ sản lượng khoảng 600kg/tuần. Những tháng “treo”, sản lượng giảm còn khoảng 200kg/tuần. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng vườn ca cao cho thu nhập trên 10 triệu đồng.
“Hai, ba tháng trời mình mới xịt một lần thuốc sinh học trừ sâu, rầy. Cây này chịu mặn cũng tốt lắm. Ở đây năm 2016 bị mặn rò rỉ vô nhưng cây cũng sống bình thường. Mình phải siêng chăm sóc vườn, tỉa bỏ cành khô, cành bị bệnh, cành vô hiệu thì mới có hiệu quả tốt. HTX tới nhà mua sản phẩm, không phải mang đi xa. Mô hình trồng ca cao xen dừa thấy hiệu quả tốt, ngon lành luôn, dễ làm dễ sống, cơ bản hơn các loại cây khác”, lão nông Nguyễn Văn Kiều tâm đắc.
Ca cao ngày càng hút hàng
HTX nông nghiệp Tích Khánh được thành lập năm 2007 với 7 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên 16 thành viên. Nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, nhất là Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, Liên minh HTX Vĩnh Long nên HTX hoạt động ngày càng hiệu quả.
Năm qua, HTX có doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 300 triệu đồng. Hiện HTX có 7 tổ thu mua, giải quyết việc làm thường xuyên cho 145 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Hạt ca cao nguyên liệu đang ngày càng hút hàng, có nhiều đối tác đã tìm đến HTX Tích Khánh để thu mua nguyên liệu. Do năng lực có hạn nên HTX chưa thể nhận lời hết tất cả. Năm 2024, HTX dự kiến mở rộng diện tích sản xuất thêm 8ha, tương đương trồng mới 10.000 cây giống.
Tuy nhiên, HTX đang gặp phải một số khó khăn như trụ sở và sân phơi đã hết thời gian thuê đất nên cần chuyển qua địa điểm mới, cần hỗ trợ kinh phí di dời và thiếu vốn để mở rộng vùng nguyên liệu; đầu tư sản xuất, kinh phí quảng bá thương hiệu cũng như đăng ký sản xuất theo hướng VietGAP còn nhiều hạn chế...
“HTX đang rất cần nguồn vốn hỗ trợ để di dời trụ sở và sân phơi ca cao với tổng kinh phí 636 triệu đồng, trong đó trụ sở là 150 triệu đồng, sân phơi 97 triệu đồng, giàn phơi 389 triệu đồng. Bên cạnh đó, HTX cũng rất mong muốn được hỗ trợ 10.000 cây ca cao giống với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Đề nghị các đơn vị liên quan có chính sách hỗ trợ HTX theo Nghị quyết số 41/2022/NQ – HĐND tỉnh Vĩnh Long về việc hỗ trợ cho các HTX giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Văn Suối – Giám đốc HTX nông nghiệp Tích Khánh kiến nghị.
HTX nông nghiệp Tích Khánh kiến nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh, nhà khoa học của các viện, trường thường xuyên hỗ trợ cho HTX được tiếp cận các dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình canh tác có hiệu quả để ngày càng thu hút thêm thành viên trồng và nâng cao chất lượng ca cao. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho HTX tham gia các hội chợ thương mại và tìm nhiều đối tác hơn trong sản xuất, kinh doanh.