Xuất khẩu nông sản tăng tốc về đích 53 tỷ USD. Giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 92 USD/tấn. Nuôi gà nghe nhạc, ăn cám thảo dược. Thái Nguyên có 256 làng nghề chè. Xây nhiều công trình thủy lợi để ngăn mặn và chứa nước ngọt.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH VỚI MỤC TIÊU 53 TỶ USD
Theo Bộ NN-PTNT, tháng 10, xuất khẩu nông sản ước đạt 4,81 tỷ USD tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
10 tháng năm 2023, giá trị của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch XK ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%...
Trả lời báo chí về tình hình xuất khẩu nông sản 10 tháng đầu năm 2023, thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng với tình hình sản xuất như hiện tại ngành nông nghiệp sẽ về đích với mục tiêu 53 tỷ USD.
2 tháng cuối năm thường tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn tuy nhiên tình hình lũ lụt ở miền trung đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất tại các địa phương và xuất khẩu. Bộ NN-PTNT bằng kinh nghiệm của những năm qua sẽ chỉ đạo các địa phương cùng các đơn vị nhanh chóng khắc phục ngay hậu quả của thiên tai khôi phục lại sản xuất.
GIÁ GẠO VIỆT NAM CAO HƠN GẠO THÁI LAN 92 USD/TẤN
Ngày 1/11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm chốt ngày 31-10 là 653 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so hôm trước.
Đây là mức giá cao nhất khi gạo bắt đầu sốt giá từ cuối tháng 7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng lập kỷ trong hơn 10 năm gần đây.
Trong khi đó, gạo Thái Lan giá giảm 3 USD/tấn (loại 5% tấm), về mức 561 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam cùng phẩm cấp đến 92 USD/tấn.
Một doanh nhân xuất khẩu gạo ở Tiền Giang lý giải, Việt Nam hết mùa thu hoạch lúa, nguồn gạo không còn nhiều nên giá đẩy lên cao. Trong khi đó, gạo Thái Lan vào mùa nên giá giảm, đồng tiền Thái Lan mất giá so với USD nên giá gạo Thái cũng rẻ hơn trước.
Trang trại chăn nuôi của anh Lê Đình Bình, xã Nam Điền, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội có quy mô 500.000 con gà Ai Cập lông trắng, ở đây gà được nghe nhạc không lời từ 6h sáng đến 12h trưa. Theo chủ trang trại, gà nghe nhạc ăn nhiều hơn, tăng trưởng để sinh đẻ.
Những con gà Ai Cập lông trắng được nuôi trong những chiếc lồng công nghiệp treo cao. Và ở các góc chuồng thì đều được trang bị hệ thống loa để có thể truyền tải rõ nét âm thanh tới mọi khu vực chuồng nuôi.
Ngoài việc cho gà nghe nhạc, anh Bình giữ nguyên tắc không sử dụng kháng sinh, không thức ăn công nghiệp trong trang trại của mình. Các loại thảo dược như tỏi ngừa bệnh đường hô hấp; vàng đắng là loại berberin tự nhiên, cà gai leo tốt cho gan được anh Bình phối trộn cùng với thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi
Trung bình trang trại của anh Bình cho năng suất 4.900 quả trứng mỗi ngày. Mỗi quả trứng có giá bán 9.800 nghìn đồng. Giá bán này cao hơn khoảng 3 lần trứng gà công nghiệp bình thường, nhưng gà đẻ đến đâu, khách đến lấy hết đến đấy.
THÁI NGUYÊN CÓ 256 LÀNG NGHỀ CHÈ
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định công nhận thêm 5 làng nghề chè gồm: xóm Chằm 7A, xóm Chằm 7C, xã Minh Đức, Thành phố Phổ Yên; xóm Văn Trường, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, xóm Kim Lan, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương và xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.
Tính đến thời điểm này, Thái Nguyên có 256 làng nghề chè, chiếm hơn 92% tổng số làng nghề toàn tỉnh. Các làng nghề đang giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng dao động từ 4,5-5 triệu đồng/người.
Từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ làng nghề; phấn đấu công nhận mới 12 làng nghề; có trên 70% số làng nghề hoạt động hiệu quả; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được phân hạng OCOP...
XÂY NHIỀU CÔNG TRÌNH THỦY LỢI ĐỂ NGĂN MẶN VÀ CHỨA NƯỚC NGỌT
Để ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Cà Mau chủ động xây dựng nhiều nhiều công trình, phi công trình thủy lợi nhỏ theo đề án của Bộ NN-PTNT.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có gần 200 cống ngăn mặn và hồ chứa nước ngọt. Các công trình đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn và phục vụ hiệu cho sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Long Oai - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, các hệ thống công trình thủy lợi bao cống ngăn mặn, đê, hồ chứa nước ngọt được thường xuyên rà soát để duy tu, sửa chữa nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra tỉnh cũng tăng cường nạo vét kênh, mương đảm bảo nước ngọt vào mùa những tháng khô.