Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời nhiều vấn đề nóng ngành nông nghiệp trước Quốc hội. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 100% nhờ RCEP. Phát động trồng 50ha rừng ngập mặn đầm Ô Loan. Các FTA đang hỗ trợ đắc lực ngành gỗ Việt Nam trong cạnh tranh xuất khẩu.
BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT TRẢ LỜI NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRƯỚC QUỐC HỘI
Theo lịch trình kỳ họp thứ 3, quốc hội khoá 15, từ chiều 7-6 đến hết ngày 9-6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này gồm: Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải. Trong đó nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ được trả lời chủ đạo bởi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Riêng nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung chất vấn các nội dung: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp....
XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG TRUNG QUỐC TĂNG 100% NHỜ RCEP
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP chiếm trên 63% thị phần. Sau hơn 5 tháng có hiệu lực, RCEP đã và đang mở ra cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam. Hiệp định RCEP đang giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là những đối tác thương mại hàng đầu trong RCEP như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. Trong đó, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhiều tiềm năng nhất cho xuất khẩu thuỷ sản Việt trong khối RCEP, khi xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, với sản phẩm chủ yếu gồm: cá tra, cá basa và tôm đông lạnh.
PHÁT ĐỘNG TRỒNG 50HA RỪNG NGẬP MẶN ĐẦM Ô LOAN
Tỉnh Phú Yên vừa tổ chức lễ phát động trồng rừng ngập mặn tại thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan. Tại sự kiện, các đại biểu tham dự lễ phát động đã tham gia trồng 500 cây bần, đước tại đầm Ô Loan thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An. Theo kế hoạch, để phát triển bền vững, khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên đã phê duyệt dự án trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan trên tổng diện tích 50ha, chia thành 102 lô. Trong đó, xã An Hòa Hải 42,8ha; xã An Ninh Đông 5,7ha và xã An Hiệp 1,5ha. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2025, với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
CÁC FTA ĐANG HỖ TRỢ ĐẮC LỰC NGÀNH GỖ VIỆT NAM TRONG CẠNH TRANH XUẤT KHẨU
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mà Việt Nam đã tham gia, một mặt đang hỗ trợ ngành chế biến gỗ nước ta xuất khẩu sang nhiều thị trường, mặt khác giúp tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm gỗ Việt với những quốc gia khác, nhất là các quốc gia không có hiệp định. Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với 5 tháng năm 2021. Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 tăng khoảng 8 là hoàn toàn khả thi. Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương nhận định, khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi.