| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản chủ lực tràn đầy triển vọng

Xuất khẩu thuỷ sản quý 2 có thể chạm mốc kỷ lục 3 tỷ USD

Thứ Ba 17/05/2022 , 08:42 (GMT+7)

Tăng trưởng mạnh mẽ của các mặt hàng thủy sản chủ lực đang giúp xuất khẩu thủy sản quý II/2022 tăng mạnh và có thể chạm mốc kỷ lục 3 tỷ USD.

Phân loại tôm mới thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Phân loại tôm mới thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Sơn Trang.

Tháng 3 năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt một cột mốc rất quan trọng, đó là giá trị xuất khẩu trong một tháng lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD. Sang tháng 4, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt 1,13 tỷ USD, vượt qua kỷ lục xuất khẩu vừa đạt được trong tháng 3.

Như vậy, xuất khẩu thủy sản đã có 2 tháng liên tiếp đều đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Qua đó, đưa xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng tới 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản trong quý II được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, khi mà những mặt hàng thủy sản chủ lực nhìn chung vẫn đang rất thuận lợi về đầu ra. Cụ thể, với mặt hàng số 1 là tôm, xuất khẩu trong tháng 4 đạt 406 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu 4 tháng lên 1,36 tỷ USD, tăng 41,5%.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 4 đạt 297 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với tháng 4/2021. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã đạt 950 triệu USD, tăng 94%, tức là tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tháng qua, ghi nhận nhiều thị trường cá tra có sự tăng trưởng một cách đột phá như Trung Quốc tăng 161% trong 4 tháng, đạt 306 triệu USD; Mỹ tăng 128% trong 4 tháng, đạt hơn 232 triệu USD; Canada tăng 69% tính tới nửa đầu tháng 4, đạt 17,2 triệu USD …

Nhu cầu phục hồi và tăng cao sau Covid-19 đối với các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam tại các thị trường tiêu thụ chủ lực là Mỹ và Trung Quốc cộng giá thủy sản tăng, sự thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường thế giới do tác động từ xung đột Nga - Ukraina đang là cơ hội lớn để xuất khẩu từng mặt hàng chủ lực nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là những thị trường chủ đạo, mang tính quyết định đối với việc duy trình tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới.

Với thị trường Mỹ, nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam hiện đang có cơ hội lớn, nhất là cá tra. Sản lượng cá da trơn ở Mỹ giảm, thuế chống bán phá giá theo kết luận cuối cùng của POR17 có lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ, thêm doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ… đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi cho xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Tại Trung Quốc, dù chính sách “Zero Covid” đang gây khó khăn không nhỏ cho các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ các nước vào thị trường này khi nhiều cảng nhập khẩu phải đóng cửa, việc kiểm tra Covid trên các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu được thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang thiếu hụt thủy sản cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang tìm được cơ hội lớn tại thị trường Trung Quốc. Bằng chứng là trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 578 triệu USD. Trong đó, cá tra chiếm tới hơn một nửa giá trị thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với những thuận lợi về đầu ra của các mặt hàng thủy sản chủ lực cũng như nhu cầu thủy sản nói chung từ các thị trường lớn, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý II sẽ đạt 2,8 - 3 tỷ USD, tăng khoảng 36-38% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu đạt được 3 tỷ USD trong quý II, ngành thủy sản sẽ thiết lập được kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu trong một quý.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.