Tính đến các phương án để phòng cháy nhà luôn được người xưa chú ý. Để chống cháy, người ta thường xây dựng nhà ở bên sông, hồ hoặc đào ao, giếng lớn để có nguồn nước chữa cháy.
Việc đào ao, giếng, ngoài việc tạo phong thủy, nuôi cá, trồng rau thì có giá trị lớn trong việc cung cấp nguồn nước chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Nếu về những ngôi làng cổ còn sót lại chúng ta dễ nhận ra điều này.
Việc phòng chống hỏa hoạn xưa, ngoài ý thức của mỗi người dân trong làng, còn là công việc được giao thường trực cho đội tuần phòng của làng dưới sự chỉ đạo của Lý trưởng.
Xưa kia, mỗi xóm thường có một miếu xóm. Đó là nơi thờ thổ công, nơi để truy điệu những người trong xóm bị chết đường, chết chợ (không chết ở trong nhà của họ) và cũng là nơi các tuần phiên của xóm trực trong các phiên trực đêm. Nếu có kẻ trộm hay hỏa hoạn, những tuần phiên này sẽ thông báo cho toàn xóm biết và tổ chức bắt trộm, chống hỏa hoạn.
Paul Ory, trong cuốn "Làng xã của người An Nam ở Bắc Kì", viết vào cuối thế kỉ 19 cho biết: “Trong xã, Lý trưởng điều hành mọi công việc quan trọng {...}, lập mọi báo cáo chính thức về các vụ phạm tội và sự việc nghiêm trọng xảy ra trong địa bàn làng xã như giết người, hỏa hoạn, tổ chức những trò chơi trái phép, buôn lậu, cướp bóc...”.
Việc chuẩn bị dụng cụ chữa cháy cũng rất cẩn thận và có nơi ghi vào Hương ước của làng. Ngoài việc tính dự phòng nguồn nước chữa cháy, Hương ước làng còn đề cập đến chuyện chuẩn bị câu liêm và ống vẩy nước, sẵn sàng ứng cứu khi có sự số hỏa hoạn xảy ra.
Hương ước làng Xa Mạc, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay là xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) đầu thế kỉ 20 quy định rất rõ tại “Sự cứu hỏa tai - điều 38": “Sự cứu hỏa tai cần phải có đồ chữa mới được, nếu cứ tay không chạy đến mắt giương mà trông, dẫu trăm ngàn người cung là vô ích.
Vậy làng trích tiền công sắm lấy cái câu liêm thật tốt và sắc để ở điếm canh, nhà nào bất hạnh bị hỏa tai thì tuần đem ngay đến cứu, nếu cần phải rỡ tắt khúc thì các câu liêm ấy kéo dỡ ngay đi, và mỗi nhà phải sắm một cái ống vẩy nước (trừ nhà gái góa con côi) làm bằng tre bương, dài độ một thước tây, đầu để vẩy nước vạt nhọn móng lợn.
Ống của nhà ai khắc tên chủ nhà ấy vào. Hễ nghe hiệu biết chỗ nào cháy thì mỗi nhà cần phải có một người đem cái ống ấy đến lấy nước chữa cháy”.
Cũng tại điều 38, nói rất rõ đến trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm của người dân trong việc phòng cháy chữa cháy.
Việc chữa cháy là công việc bắt buộc người dân phải làm chứ không phải “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” được: “Sự chữa sắp xong, Hương hội, Phó lý và Trương tuần phải đến xem ngay số ống có đủ hay không. Nếu thiếu ống nào hay ống nào không có dấu nước thì gia chủ có ống ấy phải phạt 5 hào.
Còn như các nhà bị cháy Hương hội phải đến xem xét khởi tự đâu, vì duyên cớ gì. Nếu vì thực là bất ý thì tha không phạt, hoặc xét ra người nào có ý đốt nhà để làm hại người ta, hay đốt nhà để hôi của nhà khác thì Hương hội bắt giao Lý trưởng giải trình quan tòa án xét nghị”.
Điều 39 của Hương ước làng này cũng quy định về khen thưởng, biểu dương những người có thành tích, công lao với việc chữa cháy của làng: “Điều 39: Ai vì sự cấp cứu bị thương, làng cấp tiền chữa thuốc, trọng thương thành tật, làng cho ngôi tộc biểu, bị thương đến nỗi chết, làng cấp tiền tuất cho 20 đồng và cả làng đưa ma”.
Có thể nói, từ xưa, cha ông ta đã quan tâm đặc biệt đến việc phòng cháy chữa cháy trong làng, bởi những ngôi nhà của chúng ta xưa đều lợp bằng những vật liệu rất dễ cháy.
Việc chống hỏa hoạn được phân công nhiệm vụ rõ ràng, việc chuẩn bị dụng cụ chữa cháy cũng rất thường trực và sẵn sàng ứng chiến nếu hỏa hoạn xảy ra. Cao hơn nữa là việc chống hỏa hoạn được đưa vào Hương ước của làng, coi đó là niệm vụ bắt buộc chung, có khen thưởng, có kỉ luật.
Xem trong lịch sử, làng xã xưa dù nhiều nhà tranh, mái rạ nhưng ý thức về phòng cháy chữa cháy của cha ông ta rất cao, vì vậy dù có hỏa hoạn xảy ra nhưng rất ít thấy những ghi chép về “đại hỏa hoạn”. Âu đó cũng là một bài học về phòng cháy chữa cháy cho chúng ta ngày nay.