| Hotline: 0983.970.780

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Thứ Bảy 11/07/2020 , 07:10 (GMT+7)

Mùa hè cũng là thời điểm TP.HCM bước vào mùa mưa, thời tiết ẩm thấp, tạo điều kiện cho côn trùng phát triển, nhất là kiến ba khoang.

Trong tháng 6/2020, nhiều trường hợp đến BV Da Liễu khám viêm da tiếp xúc do nọc của kiến ba khoang . Ảnh: BVCC.

Trong tháng 6/2020, nhiều trường hợp đến BV Da Liễu khám viêm da tiếp xúc do nọc của kiến ba khoang . Ảnh: BVCC.

Nhiều trường hợp phải nhập viện do nhiễm trùng nặng vì loài côn trùng này.

Theo thống kê của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận 80-100 ca viêm da tiếp xúc do dịch tiết của kiến ba khoang. Bệnh này trước đây rất hiếm gặp, tuy nhiên trong tháng 6 thì số lượng người đến khám tăng đột biến.

Anh N.Đ.Hoàng (ngụ quận Thủ Đức) cho biết: “Gia đình tôi sống tại tầng 12 của một chung cư, xung quanh có nhiều cây cối. Cứ hễ trời mưa là khu vực hành lang có nguyên bầy kiến ba khoang bò khắp nơi khiến người dân chúng tôi đều lo sợ, nhất là các gia đình có con nhỏ”.

Tương tự nữ bệnh nhân 20 tuổi (ngụ quận 3) đang điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM do bị kiến ba khoang cắn chia sẻ, trong một lần đang ngồi chơi ở phòng khách thì có con kiến đậu vào má, lúc đó chị không biết đó là kiến ba khoang nên lấy tay đập mạnh và hất nó ra khiến cho nọc của nó bám vào da mặt.

Chị cứ nghĩ là kiến bình thường nên không chú ý nhiều đến vết thương, qua ngày hôm sau thì da xuất hiện những nốt ban sẩn nên chị lập tức vào bệnh viện khám.

Tình trạng da nữ bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt ngày thứ hai. Ảnh: BVCC.

Tình trạng da nữ bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt ngày thứ hai. Ảnh: BVCC.

Theo BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Da Liễu TP.HCM), thông thường tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng, do kiến ba khoang đốt thì thường nếu như không có những tác động khác thì nó chỉ khu trú tại chỗ.

Tuy nhiên, nếu không để ý, không cẩn thận có thể làm vết thương lan rộng thêm. Khi vết thương càng lan rộng thêm, thì làm cho hàng rào bảo vệ da ở những vị trí bị tổn thương như vậy rất dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển thêm, gây ra tình trạng nhiễm trùng.

“Nhiễm trùng mà lan rộng toàn thân rất nguy hiểm. Nhiều người thường không để ý nhiều đến loại kiến này, đến khi có tình trạng da sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da mới đến khám”, bác sĩ Thảo nói.

Kiến ba khoang có chứa dịch tiết độc nên khi tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, khiến da nóng rát, nhiều trường hợp nặng dẫn đến bỏng da.

Vì vậy, theo BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, ngay khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, nên cố gắng đuổi nhẹ nó đi (có thể lấy một vật hất nó ra – PV), không nên cố giết nó và tuyệt đối không được đập vào da khiến cho chất độc phát tán và lan rộng.

BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Da Liễu TP.HCM) trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề viêm da do côn trùng đốt. Ảnh: Nguyễn Thủy.

BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Da Liễu TP.HCM) trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề viêm da do côn trùng đốt. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khi đã bị tổn thương do tiếp xúc kiến ba khoang, tuyệt đối không nên sờ vào vị trí tổn thương vì rất dễ làm vết thương lan rộng. Trong trường hợp chỉ bị tổn thương tại chỗ mà không lan rộng toàn thân thì chỉ cần rửa sạch vết thương với các dung dịch làm dịu ra, sau đó bôi thuốc tại chỗ. Còn tổn thương lan rộng toàn thân hoặc diện tích tổn thương lớn thì nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tư vấn điều trị.

Cũng theo bác sĩ Thảo, nhiều người thường nhẫm lẫn viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona thần kinh (giời leo).

Zona có tổn thương cơ bản là chùm mụn nước và mụn mủ thường mọc ở một vùng thần kinh chi phối ở nửa bên cơ thể, gây đau nhức trên bề mặt. nên Nhiều người nhầm lẫn đã sử dụng phương pháp dân gian như đắp lá… lên vết thương dẫn đến tình trạng viêm nhiễm càng nặng hơn.

Một số người có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Trong khi đó, một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, cần một liều hoặc một lượng chất dị ứng kích ứng rất nhỏ cũng đủ gây ra phản ứng rất nặng toàn thân.

Vấn đề điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây nên không khó, tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách có thể gây nặng hơn, nhiễm trùng thứ phát như toàn thân.

Một trường hợp bị kiến ba khoang đốt lan rộng đã được các bác sĩ điều trị kịp thời, tránh những tổn thương nặng gây ra do nhiễm trùng. Ảnh: BVCC.

Một trường hợp bị kiến ba khoang đốt lan rộng đã được các bác sĩ điều trị kịp thời, tránh những tổn thương nặng gây ra do nhiễm trùng. Ảnh: BVCC.

Đối với vết thương do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang, bác sĩ Thảo cho biết, sẽ mất tầm một tuần đến 10 ngày thì vết thương sẽ lành, ít để lại sẹo nhưng có vết thâm do tăng sắc tố sau viêm. Và được điều trị bằng thuốc uống chống dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn.

Một số trường hợp vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng sẽ được cho thuốc uống, kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.

Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa, để tránh bị kiến ba khoang cắn (đốt), bác sĩ Thảo khuyến cáo, vào mùa này, những người có thói quen đi ra ngoài để làm vườn thì nên mặc quần áo dài tay, tốt nhất là mang găng tay, găng chân để bảo vệ che chắn các vùng da trên cơ thể. Sau khi làm vườn, tháo găng tay/chân ra, rửa tay chân, tắm rửa sạch sẽ rồi thay quần áo khác.

Các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo, do kiến ba khoang thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Do vậy, vào những buổi chiều tối (đặc biệt là sau khi mưa) nên thay bằng đèn có ánh sáng vàng để không thu hút sự chú ý của kiến ba khoang. Đồng thời, nên hạn chế mở cửa, hoặc làm lưới chắn côn trùng tại khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là khu vực có nhiều cây cối, cánh đồng.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), có hai màu đỏ và đen. Nó không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của nó có chứa pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da, và Paederus dermatitis, một loại viêm da khi bị côn trùng đốt. Loài này là một loài côn trùng ăn thịt côn trùng khác, chuyên săn rầy trên đồng ruộng.

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất