| Hotline: 0983.970.780

Viện WASI 'hết khát' nhờ Dự án VnSAT

Thứ Tư 20/04/2022 , 09:25 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Nhờ được đầu tư hạ tầng, quy trình kỹ thuật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cho tái canh cà phê ở Tây Nguyên.

Không còn nỗi lo vào mùa khô

Trở lại khu vườn thực nghiệm rộng 150ha của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đóng tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông mới được đầu tư, ô tô có thể đến từng ô ruộng. Khác hẳn những năm trước, khi những con đường bê tông chưa được làm, đường vào khu vườn thực nghiệm rất khó khăn, đất đá lổn nhổn, mùa mưa thì nhão nhoét, mùa khô thì mù mịt bụi.

Dự án VnSAT hỗ trợ đường giao thông cho Viện WASI. Ảnh: Mai Phương.

Dự án VnSAT hỗ trợ đường giao thông cho Viện WASI. Ảnh: Mai Phương.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện WASI phấn khởi cho biết, toàn bộ 3km đường bê tông được Dự án VnSAT đầu tư, hoàn thành cuối năm 2021. Nhờ có con đường này mà việc đi lại chăm sóc vườn cây thực nghiệm rất thuận tiện. Cùng với đầu tư làm đường bê tông, Dự án VnSAT còn đầu tư cho Viện hệ thống tưới tiết kiệm rất hiệu quả. Giờ người lao động chỉ cần bật công tắc là nước từ hệ thống tưới béc phun phè phè.

Theo TS Hà, trước đây, Viện cũng được đầu tư hệ thống tưới cho vườn thực nghiệm, tuy nhiên do được đầu tư bằng ống sắt cách đây gần 20 năm nên đã xuống cấp, hư hỏng, việc tưới cho các loại cây trồng nói chung và cà phê nói riêng trong mùa khô rất khó khăn, không kịp thời. Do diện tích rộng nên tưới được khu này quay vòng lại khu sau đất đã khô khốc, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của cà phê.

“Được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để đầu tư làm đường bê tông và mua một máy bơm công suất lớn, cùng với lắp đặt hệ thống đường ống tưới chính và hệ thống đường ống phụ tiết kiệm dài trên 5km nối các vùng sản xuất của Viện liên thông với nhau, nên chúng tôi không còn lo cây trồng thiếu nước trong mùa khô nữa.

Đặc biệt nhờ hệ thống này, Viện đã giảm được rất nhiều công lao động và tiết kiệm được chi phí khá lớn, trong khi đó hệ thống tưới phun mưa rất tốt cho vườn ươm, cây giống được tưới đủ nước trong khi nước không bị dư thừa, do đó cây giống hấp thụ tốt hơn và phát triển đồng đều hơn”, TS Phan Việt Hà chia sẻ.

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, mỗi năm WASI có thể sản xuất được 3 triệu chồi để lấy mắt ghép cà phê. Ảnh: Mai Phương.

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, mỗi năm WASI có thể sản xuất được 3 triệu chồi để lấy mắt ghép cà phê. Ảnh: Mai Phương.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn cà phê chồi rộng 0,5ha để lấy mắt ghép cà phê, dù giữa cao điểm mùa khô nhưng vườn vẫn xanh mơn mởn, TS Phan Việt Hà cho biết, đó là nhờ vườn cây được tưới đủ nước. Sau khi Viện WASI lắp đặt xong hệ thống hạ tầng từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, năng lực sản xuất chồi để lấy mắt ghép cà phê của Viện đã tăng lên từ 20 - 30%, hàng năm Viện WASI có thể cung cấp 3 triệu chồi phục vụ cho các vườn ươm tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Hỗ trợ đắc lực cung cấp giống cà phê cho tái canh

Ngoài hỗ trợ vườn nhân chồi, vườn ươm cây giống, Dự án VnSAT cũng hỗ trợ giúp tăng năng lực của Viện trong việc sản xuất hạt giống cà phê. Chỉ tính riêng năm 2021, Viện đã sản xuất khoảng 3 tấn hạt giống cà phê lai đa dòng chất lượng cao, tương đương với 3 triệu cây cà phê giống để phục vụ trồng mới và tái canh.

“Từ sự hỗ trợ này, năng suất ở vườn sản xuất hạt lai đa dòng tăng lên rõ rệt. Hiện nay, năng lực mỗi năm Viện WASI có thể sản xuất được 10 tấn hạt giống cà phê lai đa dòng, đảm bảo đủ nguồn giống tốt, chất lượng phục vụ các địa phương tái canh. Đây là những kết quả thiết thực mà chúng tôi nhận được từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT”, TS Phan Việt Hà phấn khởi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) kiểm tra vườn sản xuất cà phê giống của WASI. Ảnh: Minh Quý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) kiểm tra vườn sản xuất cà phê giống của WASI. Ảnh: Minh Quý.

Đặc biệt, Dự án VnSAT đã phối hợp với các đơn vị quản lý như sở NN-PTNT, trung tâm khuyến nông của từng tỉnh Tây Nguyên để khi cây giống xuất vườn phải đạt tiêu chuẩn kiểm soát dịch bệnh, nhất là tuyến trùng. Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho Viện WASI để đưa ra các bộ tiêu chí về quản lý vườn ươm và chất lượng cây giống. Nhờ các bộ chiêu chí này, cơ quan chức năng các tỉnh xác định được chất lượng cây giống như thế nào. Đây là sự khác biệt so với các vườn ươm không được Dự án VnSAT đầu tư.

Cũng theo TS Phan Việt Hà, trong chương trình Dự án VnSAT đầu tư cho Viện WASI từ 2017 đến nay, Dự án đã hỗ trợ WASI xây dựng các bộ tiêu chí vườn ươm, chất lượng cây giống, các quy trình tái canh cà phê chè, các bộ tài liệu đào tạo tập huấn các lớp về quy trình quản lý cà phê bền vững cho cán bộ và người dân các tỉnh Tây Nguyên…

“Hiện nay, hiệu quả đã lan tỏa đến đông đảo nông dân và chúng tôi cũng tự hào là nhân tố góp phần vào thành công của Đề án Tái canh cà phê Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, với Dự án VnSAT, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị xây dựng nhiều quy trình phục vụ sản xuất, trong đó quy trình tái canh cải tiến, quy trình trồng xen… đem lại hiệu quả vượt trội so với các quy trình trước đây”, TS Phan Việt Hà chia sẻ.

Hệ thống tưới béc của Dự án VnSAT giúp vườn chồi cà phê xanh tốt giữa mùa khô. Ảnh: Mai Phương.

Hệ thống tưới béc của Dự án VnSAT giúp vườn chồi cà phê xanh tốt giữa mùa khô. Ảnh: Mai Phương.

Một trong những hiệu quả cao phải kể đến quy trình tái canh ngay. Từ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, Viện WASI đã xây dựng mô hình thành công tái canh cà phê dựa trên phương thức tái canh ngay, không luân canh để rút ngắn thời gian tái canh cho nông dân. Trước đây, những vườn cà phê trước khi tái canh người dân phải luân canh 2 - 3 năm. Tuy nhiên, đối với các vườn bị nhiễm bệnh nhẹ hoặc không nhiễm bệnh thì quy trình tái canh từ Dự án VnSAT đã thực hiện tái canh ngay bằng các biện pháp xử lý đất, sản xuất cây giống sạch bệnh, quản lý tổng hợp về dinh dưỡng như tăng lượng hữu cơ thay vì dùng phân hóa học.

Trong quá trình xây dựng quy trình này, cùng với việc bổ sung hữu cơ nhiều hơn, kết hợp kiểm soát dịch hại đã cho thấy mô hình tái canh ngay cho năng suất, chất lượng không thua kém các mô hình khác. Lợi ích của quy trình tái canh ngay là đầu tư thấp hơn, bền vững môi trường hơn, hạn chế sử dụng phân hóa học so với trước đây.

“Đến nay, khi đã kết thúc chương trình nhưng các mô hình tái canh ngay rất tốt, tạo được sự phát triển bền vững. Hiện nay, trong chương trình của WASI đã đầu tư trên 10ha tái canh ngay cho cà phê vối và 2ha cho cà phê chè tại các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù diện tích đầu tư không lớn nhưng mô hình rất hiệu quả và là cơ sở để các địa phương và người dân triển khai trong thời gian tới”, TS Phan Việt Hà cho biết.

Thay đổi tư duy canh tác cho nông dân

Với các quy trình sản xuất của Dự án VnSAT, nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng dần thay đổi tư duy canh tác, tiết kiệm được chi phí đầu vào, tăng năng suất.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, Dự án VnSAT triển khai tại địa phương đã mang lại nhiều hiệu quả và thiết thực với nhu cầu, định hướng phát triển ngành hàng cà phê của Lâm Đồng.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, tập huấn của Dự án VnSAT, tư duy sản xuất cà phê của người dân dần thay đổi, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, tập huấn của Dự án VnSAT, tư duy sản xuất cà phê của người dân dần thay đổi, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu.

Thông qua Dự án VnSAT, tư duy của nông dân trong vùng triển khai Dự án đã dần thay đổi qua từng năm. Nông dân đã thấy được hiệu quả khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được khuyến cáo, ví dụ như: Không bón nhiều, bón thừa lượng phân đạm hóa học, tăng cường phân hữu cơ… để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu, lượng phân cần thiết cho cây phát triển.

Hiểu biết của nông dân ngày càng sâu rộng, sẵn sàng áp dụng cái mới, cái hiệu quả hơn, mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm, đầu tư máy sấy, máy sơ chế cà phê… để nâng cao hiệu quả đầu tư, hiện đại hóa trong nông nghiệp, theo đúng định hướng, chiến lượt phát triển cà phê của tỉnh.

Hiện nay, thông qua quy trình canh tác của Dự án VnSAT, các diện tích cà phê đã đạt năng suất cao hơn thường lệ. Năm 2016, năng suất bình quân chỉ vào khoảng 25 tạ/ha thì đến 2019 đã nâng lên 31,9 tạ/ha và đến năm 2020 tăng lên 32,1 tạ/ha. Nông dân tham gia Dự án đã tăng lợi nhuận 20,73% so với trước khi tham gia Dự án và tăng 21,28% so với nông dân ngoài vùng Dự án.

MINH HẬU

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).