Tham dự phía Trung Quốc còn có lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp Vật tư nông nghiệp Quảng Tây, Tạp chí Thị trường và Vật tư nông nghiệp, cùng hàng chục doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến từ các tỉnh, thành của Trung Quốc.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với nhu cầu sử dụng phân bón hàng năm từ 10 - 10,5 triệu tấn các loại. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự chủ sản xuất phân urea, phân bón chứa lân, phân NPK...”.
Ông Phùng Hà cho biết thêm, dù sản lượng phân bón trong nước đã đạt mức đáng kể nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất, lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 2,58 triệu tấn, với kim ngạch 838 triệu USD, trong đó hơn 1,03 triệu tấn nhập từ Trung Quốc, trị giá gần 296 triệu USD, chiếm 40% tổng lượng và 35,3% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề xuất tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong việc sản xuất và phân phối phân bón hữu cơ, hướng tới mục tiêu giảm lượng phân bón hóa học và phát triển nông nghiệp bền vững. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc được xem là đối tác chiến lược với nền nông nghiệp Việt Nam nhờ vào những thành tựu nổi bật trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giữa hai quốc gia tại hội thảo, ông Feng Weidong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghệ Nông nghiệp Trung Quốc mở rộng nhấn mạnh: Việt Nam và Trung Quốc đều có nền nông nghiệp phát triển với nhiều nét tương đồng.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tiến xa hơn một bước trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nông nghiệp Trung Quốc hiện không chỉ dựa vào lao động thủ công mà còn ứng dụng rộng rãi các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, và các thiết bị tự động hóa.
Do đó, ông Feng Weidong tin tưởng, việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất và sớm cải thiện những hạn chế hiện tại của ngành nông nghiệp.
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia (Cục Bảo vệ thực vật), chia sẻ về định hướng của Việt Nam trong việc nhập khẩu nguyên liệu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc.
Bà Dung cho biết, thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn về các sản phẩm chất lượng cao và công nghệ tiên tiến từ Trung Quốc, do đó mong muốn đồng hành và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp hai nước để nâng cao giá trị kinh tế và đời sống của nông dân.
Hội thảo đã kết thúc với sự đồng thuận cao giữa các bên về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phân bón và nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cả hai quốc gia cần đối mặt với nhiều thách thức, từ việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nhằm giảm phát thải nhà kính.
Với sự cam kết từ cả hai phía, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành tựu đáng kể, không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người dân nông thôn hai nước.
Hiệp hội Công nghệ Nông nghiệp Trung Quốc mở rộng (ChinaAgro-Technological Extension Association, viết tắt là CATEA) là tổ chức xã hội quốc gia trong ngành nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc, được Bộ Nội vụ trung Quốc ký quyết định thành lập.
Các thành viên của Hiệp hội chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, tổ chức xã hội và cá nhân có liên quan tham gia vào công tác khuyến nông công nghệ. Hiệp hội có chức năng, nhiệm vụ là góp phần thúc đẩy công nghệ nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.