Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Argentina trong suốt 50 năm qua. Song phương đang có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Thương mại (chủ yếu là thương mại nông, lâm, thủy sản) là nội dung quan trọng đưa hai nước trở thành đối tác lớn của nhau. Theo đó, thương mại hai chiều giai đoạn 2007 - 2022 tăng gần 13 lần, từ 378 triệu USD lên 4,88 tỷ USD, đưa Argentina trở thành đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil và Mexico). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Argentina tại khu vực Đông Nam Á và thứ 6 trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị trí của Argentina là thành viên và là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thuận lợi với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Vì vậy, Bộ NN-PTNT luôn là thành viên tích cực tham gia cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ giữa Việt Nam - Argentina.
Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina Diana Mondino chia sẻ vinh dự khi đến thăm Bộ NN-PTNT và làm việc về nhiều nội dung hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Bà Mondino cho biết, những năm gần đây, hai bên đã làm việc tích cực và mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm. Từ năm 2017, hai bên đã có những chuẩn bị liên quan đến các điều khoản cho nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối Mercosur. Theo đó, Chính phủ Argentina mong muốn thúc đẩy đàm phán.
Ngoài việc đàm phán các hiệp định, bà Mondino cho rằng việc tiếp tục mở cửa thị trường của hai nước cũng là nội dung quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị thông tin, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có tỷ suất và vai trò quan trọng đối với ngành kinh tế Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam không chỉ coi trọng vấn đề sản xuất mà còn quan tâm đến thương mại và xác định đây là động lực phát triển của ngành.
Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ với gần 200 nước trên khắp thế giới và nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Argentina. Với đề nghị từ phía bạn về mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm hơn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT ghi nhận và đề xuất Argentina, ở chiều ngược lại, cũng mở cửa cho các sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận thị trường nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Argentina nêu vấn đề, các sản phẩm Argentina xuất khẩu sang Việt Nam như sản phẩm da, thuộc da, ngô… đã được sử dụng để đưa vào chuỗi sản xuất và tái xuất khẩu đi các nước để tạo giá trị thương mại cho Việt Nam.
Theo bà Mondino, hai nền kinh tế Việt Nam - Argentina có sự tương hỗ, tạo điều kiện để hai bên khai thác nhiều tiềm năng hợp tác cho nhiều sản phẩm hơn nữa. Như vậy, người đứng đầu ngành ngoại giao Argentina cho rằng cần xem xét về tổng thể cán cân thương mại hai nước.
Cơ quan chức năng Argentina đã gửi các đề xuất sang phía Bộ NN-PTNT về xuất khẩu thịt lợn và nội tạng lợn từ Argentina. Bà Mondino cam kết cung cấp cho Việt Nam thịt có chất lượng ngon với giá thành phải chăng, mong muốn phía Việt Nam sớm xem xét và phản hồi.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đồng tình với ý kiến của đại diện Argentina về việc cùng tương trợ lẫn nhau trong vấn đề thương mại và mối quan hệ tương hỗ này sẽ giúp hai bên cùng phát triển và đạt được mục tiêu đặt ra.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết sẽ giao các cơ quan chuyên trách xử lý các đề xuất cụ thể từ phía Argentina và ngược lại, ông đề nghị phía bạn cũng sớm xem xét đề xuất từ phía Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết Bộ sẽ giao Cục Thú y xem xét và sớm phản hồi với phía bạn.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm, Việt Nam coi trọng hợp tác nông nghiệp với Argentina, đặc biệt là thương mại nông sản và khoa học công nghệ. Thương mại nông sản cần có các biện pháp hướng tới từng bước cân bằng cán cân thương mại. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kêu gọi hai bên phối hợp chặt chẽ để triển khai hợp tác theo các nội dung, vấn đề chuyên ngành, tuân thủ quy định của hai bên và thông lệ quốc tế.
Về thương mại, riêng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giảm 29,6% so với năm 2022, chỉ đạt 3,45 tỷ USD do Argentina phải trải qua đợt khô hạn lịch sử trong vụ mùa 2022-2023, khiến sản lượng nông nghiệp giảm tới 54%.
Thương mại nông, lâm, thủy sản song phương trong 5 năm gần đây duy trì ở mức 3,08-3,8 tỷ USD (trừ năm 2023, giảm xuống 2,35 tỷ USD, tương ứng giảm 38,5% so với năm 2022).