| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cần hơn 10 tỉ đô la Mỹ cho ngành cấp thoát nước

Thứ Ba 23/08/2016 , 08:06 (GMT+7)

Nhu cầu sử dụng nước sạch của Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng gần 9,6 triệu m3/ngày và một lượng nước thải lớn cần xử lý tương ứng xấp xỉ 7 triệu m3/ngày.


Một công trình cấp nước tại TPHCM đang thi công - Ảnh: Văn Nam


Từ đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành cấp nước, xử lý nước thải trong giai đoạn 2016-2020 sẽ khá lớn, lên đến 10,2 tỉ đô la Mỹ. Nhu cầu lớn, nhưng một chuyên gia cấp thoát nước cho rằng khả năng huy động đủ nguồn vốn cần thiết như trên sẽ không hề dễ dàng.

Những thông tin nói trên được ghi nhận tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm về ngành cấp nước, xử lý nước thải Việt Nam diễn ra tại TPHCM chiều 22-8.

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 795 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch khoảng 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm; nhưng tỷ lệ thất thoát nước sạch đô thị hiện nay cũng ở mức cao, khoảng 24%. Trong khi đó, hiện cả nước cũng mới chỉ có khoảng 30 nhà máy xử lý nước thải đô thị với công suất xử lý 860.000 m3/ngày. Với công suất này, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý hiện khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 12%.

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2020 dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4-9,6 triệu m3/ngày. Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác là 3,3 tỉ đô la Mỹ; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cần đến 6,9 tỉ đô la Mỹ nữa.

Trước mắt, ông Tiến cho hay hiện Bộ Xây dựng đang tính toán đến dự án một nhà máy nước sạch tại Đồng bằng Sông Cửu Long công suất 300.000 m3/ngày đêm để cung cấp cho khu vực dân cư phía Tây sông Hậu được Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay khoảng 400 triệu đô la Mỹ. Sắp tới dự án sẽ được đưa ra đấu thầu tư vấn, xây dựng nghiên cứu khả thi.

Đối với hệ thống xử lý nước thải đô thị, hiện cả nước có khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải đang được thiết kế, xây dựng với tổng công suất 1,6 triệu m3/ngày và sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Một trong những khó khăn trong đầu tư ngành cấp thoát nước hiện nay chính là quy định đã được Chính phủ phê duyệt về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được tính vào giá nước sạch với mức thu tối đa 10% so với giá nước sạch. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Chính phủ dự thảo nghị định liên quan đến phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó vẫn giữ cố định mức phí này ở mức 10%.

Nhưng ông Tiến của Bộ Xây dựng cho rằng: “Chúng tôi chưa đồng tình với mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chỉ 10% so với giá nước sạch bởi vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng không chịu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải, người dân tiếp tục xả nước thải ra môi trường, tạo ra sự bất bình đẳng trong xử lý môi trường”, ông Tiến nói. “Bất cập hiện nay là nhiều nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong nhưng không có nước thải để xử lý, và đây là một sự lãng phí”.

Theo ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, thách thức lớn cho ngành cấp thoát nước thời gian tới là với tốc độ tăng dân số đô thị khoảng 2%/năm thì áp lực nhu cầu vốn đầu tư cho cấp thoát nước càng lớn (lên trên 10 tỉ đô la Mỹ cho 5 năm tới) nhưng xu hướng vốn ODA lại giảm dần, ngân sách hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc huy động tài chính để phát triển hệ thống cấp thoát nước.

Một thực trạng đáng lo khác được Chủ tịch Hội Cấp  thoát nước Việt Nam nêu ra là chất lượng nguồn nước đang bị ô nhiễm và suy thoái, nước ngầm cạn kiệt dần, nước mặt các dòng sông do quản lý chưa tốt nên nước thải gây ô nhiễm sông; chưa kể biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, canh tác.

Hai triển lãm về cấp thoát nước, năng lượng diễn ra vào tháng 11-2016

Dự kiến sẽ có hai cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 9-11 đến ngày 11-11-2016 gồm Triển lãm về Tiết kiệm năng lượng và Năng lượng tái tạo Việt Nam 2016 (RE & EE Vietnam 2016) và Triển lãm quốc tế về ngành nước, công nghệ lọc và xử lý nước thải Việt Nam (VietWater 2016) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), HCMC.

Dự kiến VietWater 2016 và RE&EE Vietnam 2016 sẽ thu hút khoảng 400 doanh nghiệp đến từ 38 quốc gia tham dự. Đây là triển lãm hàng năm và năm nay quy mô số doanh nghiệp tham gia tăng 30% so với năm ngoái. 

 

(TBKTSG Online)

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.