| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam có bao nhiêu phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm Covid-19?

Thứ Bảy 01/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Miền Bắc có 33 đơn vị, miền Nam 28 đơn vị, miền Trung 3 đơn vị, Tây Nguyên 2 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm khẳng định Covid-19.

Phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Đ.Hạnh.

Phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Đ.Hạnh.

Theo các chuyên gia Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới đang triển khai song song hai phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gen virus bằng phương pháp PCR và test nhanh xét nghiệm kháng thể.

Trong đó, phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gen của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo.

Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót. Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay toàn quốc có 118 phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trong đó có 66 phòng được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 31.000 mẫu/ngày.

66 phòng bao gồm: Miền Bắc có 33 đơn vị, miền Nam 28 đơn vị, miền Trung 3 đơn vị, Tây Nguyên 2 đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được gần 430.000 mẫu, trong đó xác định 431 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động và quyết liệt, đặc biệt là cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh, không để xảy ra các trường hợp mắc trong cộng đồng.

Sau gần 100 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, thì từ ngày 25/7 đến nay đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tại TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19,trong đó yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm kịp thời, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai rà soát năng lực xét nghiệm tại địa phương, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực xét nghiệm tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để kịp thời xét nghiệm SARS-CoV-2.

Xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm và các phương tiện, thiết bị, bổ sung sinh phẩm trong trường hợp cần thiết để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bảo đảm hiệu quả, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở có phòng xét nghiệm đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và an toàn sinh học tiếp tục liên lạc với các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được tập huấn, tập huấn lại về kỹ thuật xét nghiệm, hỗ trợ, chia sẻ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 để thực hiện xét nghiệm kịp thời.

Liên hệ đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để được đánh giá, xác nhận năng lực phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 trong trường hợp cần thiết. Chủ động phối hợp với các các đơn vị, địa phương khác trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị xét nghiệm tuyến dưới, Bộ Y tế cũng đề nghị Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giám sát, đánh giá, hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19, chia sẻ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2  cho các đơn vị thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong khu vực theo phân vùng quản lý để sẵn sàng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.