| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam có khoảng 500 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể

Thứ Ba 20/09/2022 , 06:26 (GMT+7)

Phát triển ngành nhuyễn thể đang gặp khó ở khâu giống khi đang thiếu con giống chất lượng đáp ứng đủ yêu cầu của người nuôi.

Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhuyễn thể. Ảnh: PH.

Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhuyễn thể. Ảnh: PH.

Theo ông Chu Chí Thiết, Giám đốc Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhuyễn thể, chủ yếu tập trung vào đối tượng 2 mảnh vỏ như ngao, nghêu, ngao 2 cùi, tu hài, hàu biển, hàu cửa sông… và các đối tượng chân bụng như ốc hương, bào ngư…

Theo đánh giá, Việt Nam có khoảng 500 cơ sở sản xuất giống để cung cấp cho người nuôi. Sản lượng giống hàng năm ước tính đạt khoảng 130 - 150 tỷ con giống, qua đó đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về con giống cho người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ nghiên cứu và thực tế, các đối tượng nhuyễn thể đang có xu hướng suy thoái về chất lượng giống, tốc độ tăng trưởng chậm hơn, tỷ lệ thịt trên vỏ giảm so với những năm trước, tỷ lệ sống của các đối tượng khác thấp hơn khi được đưa từ cơ sở sản xuất giống về vùng nuôi.

“Qua đánh giá, khâu sản xuất giống cần phải lưu ý hơn do hiện nay việc lựa chọn đàn bố mẹ cho sinh sản nhân tạo chưa được chú trọng đúng mức. Người dân thường lấy con bố mẹ ở ngay vùng nuôi để sản xuất giống, qua đó có khả năng suy thoái giống”, ông Chu Trí Thiết nêu thực trạng.

Giám đốc Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ cho biết thêm, hiện nay việc phát triển nhuyễn thể đang gặp khó khăn ở vấn đề con giống, chưa tạo được nguồn giống có chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của người nuôi.

Bên cạnh đó là khó khăn trong xác định được mật độ nuôi phù hợp với sức tải của môi trường, thức ăn tự nhiên và quá trình tạo vỏ.

Việc đánh giá hàm lượng Canxi Carbonat trong nước khoáng là quá trình quan trọng để nhuyễn thể tạo vỏ, sinh trưởng. Nuôi thâm canh quá cao làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các vùng nuôi nhuyễn thể nói chung và làm nghêu phát triển chậm, tỷ lệ thịt trên vỏ thấp, sản phẩm sau thu hoạch không đáp ứng được yêu cầu nói riêng.

“Việc sản xuất giống nhuyễn thể dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên, không gian mở lớn, các yếu tố về thức ăn dinh dưỡng chủ yếu từ nguồn tự nhiên. Ưu thế của Việt Nam là một nước nhiệt đới, có thể sản xuất giống nhuyễn thể theo mùa vụ ở quy mô lớn, do đó chi phí sản xuất thấp hơn các quốc gia ôn đới. Từ lợi thế đó, Việt Nam có thể khai thác tiềm năng tự nhiên để có thể phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững”, đại diện Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ chia sẻ.

Hiện nay việc phát triển nhuyễn thể đang gặp khó khăn ở vấn đề con giống. Ảnh: PH.

Hiện nay việc phát triển nhuyễn thể đang gặp khó khăn ở vấn đề con giống. Ảnh: PH.

Từ những khó khăn, thách thức trên, ông Chu Trí Thiết cho rằng, ngành nhuyễn thể cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất giống ở quy mô hàng hóa với chất lượng đảm bảo yêu cầu của người nuôi.

Ngoài ra, cần xác định sản lượng, năng suất nuôi ở mức phù hợp, không nuôi thâm canh quá cao làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và chất lượng thương phẩm.

Song song với đó, cần tăng cường giám sát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau thu hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng nhuyễn thể thương phẩm thông qua các giải pháp kỹ thuật.

“Cần đánh giá, quản lý vùng xuất hiện giống tự nhiên để có cách thức quản lý, khai thác phù hợp. Đây cũng là một nguồn cung cấp con giống chất lượng song song với đối tượng từ các cơ sở sản xuất giống”, ông Chu Trí Thiết đề xuất.

Năm 2021 có 20 địa phương trên cả nước có nghêu xuất khẩu. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu nghêu với 24,5 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm nghêu của Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy sản Thanh Hóa.

Tỉnh có kim ngạch nghêu xuất khẩu lớn thứ 2 là Bến Tre với 17,8 triệu USD, chiếm 22% với 3 Công ty xuất khẩu gồm Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy sản Bến Tre, Công ty Cổ phần Thủy sản Bến Tre và Công ty Cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát.

Đứng thứ 3 là tỉnh Nam Định với 12% tỷ trọng, giá trị gần 10 triệu USD với công ty Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam.

Trong năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ quý I của cả nước tăng 24%, đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng nghêu ước đạt gần 20 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.