| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam làm chủ công nghệ chuyển gen

Thứ Ba 15/04/2014 , 13:05 (GMT+7)

Việc Viện Nghiên cứu Ngô làm chủ được công nghệ chuyển gen đối với ngô sẽ mở ra sự cạnh tranh mới giữa giống ngô chuyển gen “nội” và giống ngô chuyển gen “ngoại”.

Hôm qua (14/4), Viện Nghiên cứu Ngô (Viện KHNN VN, Bộ NN-PTNT) công bố, đã nghiên cứu thành công công nghệ chuyển gen đối với gen chịu hạn vào cây ngô. Việc sở hữu công nghệ đột phá này sẽ mở ra bước ngoặt quan trọng cho ngành nông nghiệp VN, bởi công nghệ chuyển gen lâu nay vẫn thuộc về các tập đoàn nông nghiệp lớn trên thế giới...

Ngày 14/4, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người rất quan tâm tới lĩnh vực KH-CN nông nghiệp hiện nay cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Ngô. Nguyên Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao thành công của Viện Nghiên cứu Ngô đã chuyển gen thành công đối với ngô. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết sẽ có ý kiến với Bộ NN-PTNT, Chính phủ nhằm có cơ chế hỗ trợ hoàn thiện và sớm đưa công trình nghiên cứu này vào SX.

TS Bùi Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cho biết, sau hơn 2 năm miệt mài triển khai, đề tài “Nghiên cứu chuyển gen nâng cao tính chịu hạn vào một số dòng ngô bố mẹ đang được áp dụng trong SX” do Viện Nghiên cứu Ngô thực hiện đến thời điểm này cơ bản có thể khẳng định đã thành công rực rỡ ở tất cả các mặt.

Gồm: Nghiên cứu thành công và làm chủ được nguồn vật liệu phục vụ chuyển gen; hệ thống môi trường thực hiện việc chuyển gen; xây dựng và hoàn thiện quy trình biến nạp thông qua vi khuẩn Agrobacterium, cũng như đã có các kết quả cụ thể về ngô chuyển gen được SX trên đồng ruộng.

Hiện tại, Viện Nghiên cứu Ngô đã xây dựng được quy trình tái sinh và xác định được 4 dòng ngô thuần có khả năng tái sinh cây rất cao phục vụ cho các thí nghiệm chuyển gen. Đây là những dòng ngô bố, mẹ đang tham gia vào một số giống ngô triển vọng tại VN. Quan trọng nhất, Viện đã chuyển thành công 3 gen chịu hạn bằng phương pháp chuyển gen thông qua vi khuẩn vào 3 nguồn vật liệu ngô của VN.

Việc Viện Nghiên cứu Ngô nghiên cứu thành công công nghệ chuyển gen chịu hạn vào ngô – một công nghệ cực khó so với chuyển gen kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ sẽ tạo nên thế mạnh cạnh tranh mới, đặc biệt sẽ đáp ứng được cho nhu cầu SX đối với hơn 60% diện tích ngô ở VN đang canh tác trên đất dốc, thường xuyên gặp hạn, phải phụ thuộc vào nước trời.
Trước thành công này, ngày 15/4, Viện Nghiên cứu Ngô cùng với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và nhiều nhà khoa học tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận về kết quả nghiên cứu này.

Cụ thể, TS Cường tiết lộ: 3 gen chịu hạn này gồm DREB2A, HVA1 và CspB, được Viện phân lập thành công từ các nguồn tự nhiên tại VN. Trong 3 gen trên, DREB2A và HVA1 là các gen có khả năng chịu hạn và chịu mặn, còn CspB là gen có khả năng chịu nóng, cải thiện khả năng thụ phấn của ngô trong điều kiện nhiệt độ cao.

Đối với vật liệu nhận gen, trong quá trình nghiên cứu đã gặp khó khăn lớn bởi tỉ lệ tái sinh thông qua nuôi cấy phôi non của ngô thường rất thấp. Tuy nhiên, qua quá trình dày công chọn tạo và thí nghiệm đối với trên 1.300 dòng ngô trong nước, Viện đã tìm ra được 8 dòng ngô có khả năng tái sinh rất tốt thông qua nuôi cấy phôi non, trong đó 4 dòng có tỉ lệ tái sinh rất cao. Đây đều là các dòng ngô thuần là bố mẹ của các giống ngô lai của Viện Nghiên cứu Ngô.

Cụ thể đối với 8 dòng ngô triển khai nuôi cấy phôi non, tỉ lệ tạo mô sẹo (callus) đạt trung bình gần 32%, cao nhất đạt trên 70%; tỉ lệ cây tái sinh đạt trên 21%, cao nhất đạt trên 30%; tỉ lệ tạo cây hoàn chỉnh đạt gần 25%, cao nhất đạt gần 70%. Trong quá trình nghiên cứu chọn lọc dòng nuôi cấy phôi, Viện cũng đã nghiên cứu thành công hệ thống môi trường và điều kiện nuôi cấy...

dscf1276190535703
Tham quan ruộng ngô chịu hạn

Mặc dù cây trồng chuyển gen hiện chưa được chính thức đưa vào SX thương mại tại VN, tuy nhiên, các tập đoàn nông nghiệp lớn đang tiến hành các bước nước rút để đưa ra SX thương mại khi các thủ tục đánh giá, khảo nghiệm hoàn tất và được VN cho phép.
Trong khi các Cty lớn của nước ngoài đang chờ ngày tung sản phẩm giống, đặc biệt là ngô chuyển gen vào thị trường nước ta, việc Viện Nghiên cứu Ngô làm chủ được công nghệ chuyển gen đối với ngô sẽ mở ra sự cạnh tranh mới giữa giống ngô chuyển gen “nội” và giống ngô chuyển gen “ngoại”.
Đặc biệt, các giống ngô chuyển gen của các Cty nước ngoài tại Việt Nam hiện nay mới chỉ chuyển được gen kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân.

Sau khi có các nguồn vật liệu gen cho và xác định được 4 dòng ngô có tỉ lệ tái sinh cao nhất, phôi non của các dòng này được thu hoạch sau thụ phấn 12 ngày, sau đó nuôi cấy trong môi trường thêm 7 ngày để tạo mô sẹo nhằm sử dụng làm mô đích để lây nhiễm với vi khuẩn Agrobacterium (các chủng Agrobacterium tái tổ hợp mang các vector pCAMBIA1300 biểu hiện thực vật chứa các cấu trúc gen Act1+HVA1, Ubi+DREB2A và 35S+modiCspB).

Kết quả quá trình biến nạp của 3 gen chịu hạn vào vật liệu là mô sẹo nhận gen thông qua vi khuẩn Agrobacterium đã cho kết quả khả quan. Cụ thể: Tỉ lệ mô tái sinh thành cây ngô thế hệ T0 đối với gen ZmDREB2A đạt trung bình trên 12%; gen Gene HVA1 đạt trung bình 13,6% và gen CspB đạt 10,7%.

Kiểm tra bằng phương pháp PCR (giải trình tự gen) đối với ngô ở thế hệ T0 đã cho thấy kết quả bất ngờ khi tỉ lệ cây thế hệ T0 mang các gen chịu hạn rất cao, đạt từ 70% đến xấp xỉ 80%. Trong số các cây thế hệ T0 mang gen chịu hạn, đã có từ 5 – 7% số cây mang hữu thụ (tự thụ phấn thành công khi trưởng thành). Như vậy tính trung bình, hệ số biến nạp đối với các gen chịu hạn ở thế hệ T0 đã đạt 0,67% (trung bình 1.000 cây mang các gen chịu hạn, có 6,7 cây hữu thụ).

Kết quả này chứng tỏ, Viện Nghiên cứu Ngô đã chuyển thành công 3 gen chịu hạn DREB2A, HVA1 và CspB vào các nguồn vật liệu ngô tại VN, với tần số chuyển gen của các nguồn vật liệu đạt từ 0.28-1.27%.

Nguồn cây chuyển gen thế hệ T0 đã được gieo trồng và đánh giá thêm tính ổn định của các gen ở thế hệ T1, T2 và T3. Kết quả cho thấy, gen được cấy vào ngô đã hoạt động tốt và càng ngày càng có tính ổn định. Cụ thể ở thế hệ T1, tỉ lệ cây mang gen chuyển chịu hạn đạt trung bình từ 75-80%; đến thế hệ T2 và T3, tỉ lệ này đã nâng lên đạt trung bình từ 99,1% đến 99,7%. Theo TS Bùi Mạnh Cường, tỉ lệ này cho thấy ngô được chuyển gen chịu hạn ở thế hệ thứ 2 đã đạt độ ổn định theo các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế hiện nay.


Quy trình chuyển gen vào cây ngô bằng phương pháp sử dụng Agrobacterium

TS Cường cũng cho biết, từ nguồn cây đã chuyển gen thành công, Viện Nghiên cứu Ngô hiện đã tiến hành lai thử nghiệm 21 cặp lai có thành phần bố/mẹ mang gen chuyển. Kết quả đánh giá 15 cặp ở giai đoạn sinh trưởng phát triển trước trỗ cho thấy có 9 cặp có khác biệt so với đối chứng về một số tính trạng đặc trưng theo hướng tốt hơn như: Chiều cao cây cao hơn đối chứng; diện tích lá trước trỗ lớn hơn đối chứng; thời gian sinh trưởng dự đoán sớm hơn; đường kính thân to hơn đối chứng... 

Đồng thời, không phát hiện cặp nào có tính trạng xấu hơn so với đối chứng. Điều này cho thấy, ngô được chuyển gen không làm mất đi tính trạng ban đầu, mà còn khiến một số tính trạng tốt hơn.

Với những kết quả như trên, đến thời điểm này có thể khẳng định công nghệ chuyển gen chịu hạn vào ngô đã được Viện Nghiên cứu Ngô tiến hành thành công. Được biết thời gian tới, Viện Nghiên cứu Ngô sẽ tiếp tục hoàn thiện những phần còn lại để hoàn tất công nghệ chuyển gen như: Tiến hành đánh giá khả năng chịu hạn của các dòng chuyển gen bằng phương pháp gây nhân tạo; kiểm tra khả năng tổng hợp protein của tế bào...

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm