| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẽ đối thoại và chất vấn WWF

Thứ Ba 07/12/2010 , 09:54 (GMT+7)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn cho biết phía Việt Nam sẽ tổ chức đối thoại và chất vấn xem WWF căn cứ vào những tiêu chuẩn nào để đưa cá tra vào danh sách đỏ?

Trao đổi với NNVN chiều qua (6/12), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), ông Phạm Anh Tuấn cho biết phía Việt Nam sẽ tổ chức đối thoại với đại diện WWF (Quỹ Động vật hoang dã thế giới) tại Hà Nội và chất vấn xem WWF căn cứ vào những tiêu chuẩn nào để đưa cá tra vào danh sách đỏ?

Theo ông, mục đích của WWF là gì khi đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng cá tra của Việt Nam?

Tôi cho rằng WWF đã có báo cáo đánh giá không chính xác, gây những hiểu lầm nghiêm trọng tới sản phẩm cá tra của Việt Nam. Chúng ta thừa biết rằng, trong những năm gần đây, các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam luôn bị bôi nhọ bởi những vụ kiện chống bán phá giá, những loại thuế rất phi lý…

Tôi được biết, tại các nước mà cá tra của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị phần, đối thủ cạnh tranh của ta sẵn sàng bỏ tiền ra thuê các chuyên gia, tổ chức phi chính phủ xây dựng các báo cáo có lợi cho họ, nhằm bôi xấu sản phẩm họ muốn cạnh tranh, cụ thể ở đây là con cá tra. Họ cũng "đặt đầu bài", trả tiền cho các cơ quan, tổ chức phi chính phủ để đưa ra các báo cáo theo ý muốn, dưới dạng các đề tài nghiên cứu khoa học.

Việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ gây thiệt hại thế nào cho người nuôi cá và các DN chế biến sản phẩm này, thưa ông?

Chắc chắn là sẽ gây thiệt hại, còn lớn thế nào thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu cụ thể. Thực ra, hiện cá tra của Việt Nam đang XK vào nhiều thị trường trên thế giới và được người tiêu dùng chấp nhận. Để tính toán cụ thể mức thiệt hại, cần có thời gian.

Nhưng tôi cho rằng, dù thế nào đi nữa, việc đưa ra danh sách trên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các DN chế biến thủy sản, đặc biệt là đối với nông dân nuôi cá, đối tượng trực tiếp sản xuất. Hơn nữa, thương hiệu cá tra của Việt Nam, vốn đã được khẳng định trên thị trường quốc tế, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, phía Việt Nam sẽ có phản ứng thế nào?

Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với đại diện WWF tại Hà Nội vào thứ Tư, ngày 8/12 tới đây, trong đó sẽ chất vấn cụ thể các tiêu chuẩn thế nào mà WWF lại đưa cá tra vào danh sách đỏ. Cùng với đó, phía Việt Nam sẽ đưa ra những bằng chứng cụ thể về chất lượng cá tra nuôi tại Việt Nam. Chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng, tất cả các khu vực nuôi đều đang thực hiện và đạt tiêu chuẩn GlobalGap.

 Về ảnh hưởng của chất thải, theo đánh giá tổng thể của Tổ chức hợp tác Việt Nam – Hà Lan thì môi trường nuôi cá đều đạt tiêu chuẩn, độ phì dưỡng không đáng kể. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực để đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường nuôi cá. Do đó, chúng tôi khẳng định rằng, việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là hoàn toàn vô căn cứ.

Đây không phải lần đầu tiên con cá tra của Việt Nam bị “đánh”. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm thế nào bây giờ?

Như tôi đã nói thì chúng ta không thể làm gì được, bởi lẽ đối thủ thường sử dụng các chiêu bài dưới dạng đề tài nghiên cứu khoa học. Chúng ta chỉ còn cách phản bác lại, khẳng định chất lượng sản phẩm của mình và tạo thêm uy tín, thương hiệu cho sản phẩm cá tra của mình.

Để hạn chế kiện tụng, cũng như “thuận chèo mát mái” cho việc sản xuất và XK, các DN chế biến và XK cá tra Việt Nam cần phải luôn cập nhật thông tin về các hệ thống quản lý chất lượng mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế liên tục được đặt ra và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Tôi khẳng định rằng, hiện nay, hầu hết DN của Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm XK nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, nhiều nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận GobalGAP.

Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang được XK đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản. Khối lượng XK cá tra sang các thị trường luôn tăng trưởng đều đặn hằng năm. Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

+ Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK cá tra của Việt Nam đạt trên 1,15 tỷ USD tăng 6,7% về lượng và 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Châu Âu vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra.

+ Cách đây không lâu, cá tra Việt Nam cũng đã bị một số chính khách châu Âu nói xấu thậm tệ. Chẳng hạn ông Struan Stevenson, người Scotland, hiện đang là nghị sỹ Nghị viện Châu Âu đã cho rằng cá tra nuôi ở Việt Nam và được bán ở Anh là do các “lao động nô lệ” sản xuất ra, còn sông Mekong thì bị ô nhiễm nặng nề. Phản ứng trước cáo buộc này, VASEP đã có thư mời ông Stevenson sang Việt Nam xem tận mắt nghề nuôi cá tra để ông này hiểu được vì sao cá tra Việt Nam lại được ưa chuộng ở châu Âu và trên khắp thế giới. Đại diện của nhiều Tập đoàn nhập khẩu thuỷ sản lớn ở châu Âu sau đó cũng đã lên tiếng phản đối cáo buộc phi lí này của ông Stevenson.

Ông Stephen Taylor (Tập đoàn Findus) xác nhận cá tra Việt Nam là một sản phẩm an toàn, chất lượng cao, được sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đã có chứng nhận BRC, IFS và GlobalGap, ISO9001: 2004. Vì thế, cá tra đã được nhập khẩu từ các nhà cung cấp uy tín nhất. Những nhà nhập khẩu này cũng rất khắt khe với điều kiện lao động ở các cơ sở nuôi và chế biến cá tra, vì thế không có chuyện “lao động nô lệ” trong ngành cá tra Việt Nam. Cũng theo ông Stephen Taylor, sông Mekong không phải là một thảm hoạ môi trường.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm