| Hotline: 0983.970.780

Những cái chết yểu cùng thân phận hẩm hiu liên quan đến thuốc trừ cỏ???

Thứ Ba 11/07/2017 , 14:15 (GMT+7)

Tiếng đôi chim chào mào non mép còn viền vàng cứ ríu rít đòi người đến bón cho ăn lại nhắc nhớ bà Đinh Thị Đeng ở bản Hộc (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) về hai đứa cháu phải chết non.

Héo hon lòng người ở lại

Bà Đeng bị vô sinh nên rất quý người con nuôi Lèo Văn Quý. Một tay bà chăm sóc Quý từ khi còn nhỏ đến khi anh lấy vợ và có một đứa con đầu năm nay đã 11 tuổi. Nhưng hai đứa em của nó thì không được thành người bởi đó cũng là thời gian mà thuốc trừ cỏ tràn vào bản.

Bà Đeng đang kể chuyện 2 đứa cháu bị chết yểu

Cũng như bao người khác khi trồng ngô, vợ chồng Quý đều phải phun thuốc trừ cỏ. Ngày ngày, nhìn vào cái bụng của người con dâu thêm vun cao, bà mừng chộn rộn mong ngày được thấy cháu. Khi thì tất bật chuẩn bị mấy cái tã, quần áo mới, lúc lại lo vãi ngô ra cho đàn gà ăn thêm béo để kịp bồi bổ cho con dâu lúc mới sinh.

Bà ra cái dốc đầu bản chờ đợi lúc con trai đưa vợ đi đẻ trở về và gần như sụp đổ khi trẻ con chẳng thấy đâu mà chỉ thấy đống tã không. Hai lần chờ đợi là hai lần thất vọng. Bà khóc thương cho những đứa cháu chưa một lần giáp mặt. 1 đứa chết ngay từ trong bụng mẹ còn 1 đứa đẻ ra chỉ khóc oe oe được một hai tiếng như mèo con một lúc rồi lịm tắt.

Chúng được để lại trong bệnh viện mà không được mang về theo phong tục khiến cho người mẹ trẻ mất con ngày đêm thẫn thờ vào ra như cái bóng. Bà ôm con dâu vào lòng an ủi: “Mẹ không đẻ được con nên biết trẻ con nó quý như thế nào nhưng không được nuôi thì thôi chứ biết làm thế nào? Con còn trẻ còn đẻ được tiếp…”.

Chẳng biết có phải do ảnh hưởng của thuốc hay không mà người con dâu thường xuyên kêu đau ngực, đau lưng còn con trai kêu đau tim, đau phổi. Sợ quá họ phải bỏ nương đi làm thuê ở tận Hà Nội, để lại ở nhà đứa con cả cho bà nuôi và 2 ha đất nương cỏ dại mọc bời bời.

Trong buổi chiều mưa rả rích của Tây Bắc, chị Hà Thị Lắm vợ của Lò Văn Cương ở bản Hộc lại tha thẩn ôm cái ảnh của hai vợ chồng ngày còn hạnh phúc. Anh vốn không được thật người cho lắm nên buổi đó con cái đi làm hết còn chị thì đi đám cưới, ở nhà một mình, trong cơn dở điên, dở tỉnh đã cầm chai thuốc trừ cỏ ra rót một chén uống.

10-06-15_dsc_8737
Chị Lắm bên chai thuốc trừ cỏ đã hại chết chồng mình

Chất độc khiến anh bừng tỉnh gọi điện cho người con trai đang đi làm xa. Chị vội đưa chồng đi bệnh viện Mai Sơn, anh vẫn tỉnh và khóc bảo với vợ rằng: “Anh không muốn chết đâu nhưng đó là số phận rồi, sắp không còn là người nữa. Em hãy ở nhà cùng con, đừng đi lấy chồng nhé!”.

Người anh đen lại, mồm nứt toác, lưỡi, họng xanh đen như màu thuốc. Sờ bên ngoài rất mát nhưng bên trong lại nóng rực nên mùa lạnh mà cứ đắp chăn là anh lại hất đi. Suốt ngày anh đòi uống nước nhưng hễ uống là ngấm vào các vết nứt nẻ của hệ thống tiêu hóa lại càng thêm đau đớn. Chịu đựng 14 ngày liền anh mới xuôi tay. Anh chết ngày 4/2 âm lịch năm 2017 khi mới chỉ 44 tuổi. Chai thuốc độc uống dở giờ vẫn còn giữ trong nhà để làm bằng chứng.

Chị Lắm bên ảnh của hai vợ chồng

Mùa A Thái - Trưởng công an xã Tà Hộc thống kê cho tôi rằng từ 2015 đến nay xã có 6 trường hợp tự tử trong đó 4 trường hợp bằng thuốc trừ cỏ.

Tôi hỏi chị Lắm bình thường ở nhà việc phun thuốc trừ cỏ do ai đảm nhiệm? Chị bảo do người con cả là Lò Văn Hùng 24 tuổi vì đã cưới vợ, có 2 con rồi còn thằng em Lò Văn Hải 19 tuổi chưa lấy vợ, không được phép động đến.
 

Cuộc chiến cuối cùng của một người lính

Nhiều người chết vì hiểu rõ thuốc trừ cỏ quá độc nhưng nhiều người lại không hề biết. Anh Mùa A Chua - Trưởng bản Pu Nhi (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) kể rằng chính mình từng thấy ở lều nương của Mùa A Lý lăn lóc những nắp vỏ chai thuốc trừ cỏ cháy chậm được rửa đi làm cốc uống rượu vì tiện lợi và không dễ vỡ như chén sứ, chén thủy tinh.

Nói về tác hại của thuốc trừ cỏ, không gì bằng chính những người đi phun thuốc thuê. Chị Hoàng Thị Thiết vợ anh Hoàng Văn Khuyến ở Lào Lay - một bản người Thái ở xã Phiêng Ban mắt cứ đỏ hoe như máu khi nhắc đến người chồng vừa khuất núi. Quãng 10 năm nay, từ ngày có thuốc trừ cỏ là anh có thêm nghề phun thuốc thuê. Biết là độc hại đấy nhưng bởi đứa con cả đi học Cao đẳng sư phạm trên tỉnh nên anh phải cố cho nó có tiền đóng học phí.

Chị Thiết bên di ảnh của chồng

Cháy nhanh, cháy chậm, thuốc bột, thuốc nước anh chẳng bao giờ chối từ. Lúc đầu tiền công 1 bình phun chỉ được 5.000đ, sau vài năm tăng lên dần 10, 15, 20.000đ/bình. Cao điểm có ngày anh phun tới 30 bình. Lắm lúc thấy chồng mệt mỏi trong người quá chẳng thiết gì cơm nước chị khuyên nên nghỉ đi nhưng anh vặc lại: “Nghỉ thì con đi học lấy gì để ăn, lấy gì để đóng góp?”.

Hết giờ phun thuốc anh lại tranh thủ đi soi ếch nhái, đi xát gạo để gửi cho con. Mệt nhọc mấy nhưng chỉ cần hình dung ra cảnh con mình sau này được đứng trên bục giảng là anh đã mãn nguyện lắm rồi.

Chị Thiết kể: “Hết phun cho nương của nhà, của ông bà, chú bác anh lại đi phun thuê. Một vụ ngô phun mất hơn 1 tháng, hết khoảng 1 tạ thuốc. Cứ đến mùa phun thuốc da của anh lại thay đổi. Đầu vụ da màu vàng, giữa vụ da màu hồng, cuối vụ da màu đen. Người anh gầy rộc đi, da vàng, bụng chướng ai cũng tưởng là bệnh gan nhưng không phải. Những ngày tháng về sau, chân tay anh run, buồn nôn như người say rượu. Sáng nào cũng dậy nôn khan 3-4 lần rồi lại khoác bình đi phun đến tận chiều. Trước anh ăn 5-6 bát/bữa nhưng dần chỉ còn ăn được 1 bát. Đi khám người ta bảo phun thuốc quá nhiều nên phải truyền giải độc”.

Người anh từ đó cứ lả dần như cây cỏ bị dính thuốc. Chị Thiết vừa cáng đáng việc nhà vừa phải đi bốc ngô thuê hay phu hồ để lấy tiền chạy chữa cho chồng. Đến một buổi chiều, anh đang đứng thì ngã gục giữa nhà, mắt lộn toàn lòng trắng. Anh mất ngày 2/3/2016 lúc chỉ 42 tuổi.

Trong tấm di ảnh đặt trên bàn thờ là một người lính mặc quân phục chỉnh tề, trẻ trung, tràn sức sống cứ nhìn theo tôi mãi. Người lính đó đã không thể chiến thắng trong cuộc chiến cuối cùng với thuốc trừ cỏ để lại người vợ trẻ và hai đứa con mồ côi. Đứa con đầu mà anh đã chắt chiu dành từng đồng tiền phun thuốc thuê gửi cho nó ăn học nay đã ra trường nhưng do không thể có hàng trăm triệu để “chạy việc” nên chấp nhận đi làm phu hồ ở mãi tận dưới Hà Nội.

+ Không đợi già mà nhiều thanh niên khi phun thuốc trừ cỏ đã bị mỏi xương khớp đầu gối, chân tay run rẩy, lúc nào cũng như có giòi bò ở bên trong xương tủy. Như Mua mới 34 tuổi thôi nhưng tay đã run lập cập khi cầm cây bút viết mấy dòng kêu cứu cho người dân: “Tôi Vàng A Mua, trưởng bản Pá Nó B xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, qua mấy năm gần đây bà con nông dân bản chúng tôi sử dụng thuốc trừ cỏ có 3 trường hợp phụ nữ sinh đẻ được các cháu nhỏ hay bị chết trong thời gian dưới 3 tháng. Tôi xin đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu cái thuốc này xem có hại sức khỏe như thế nào…”.

+ Chất độc trong thuốc trừ cỏ cháy nhanh như axit lan đến đâu bỏng đến đấy, từ môi, lưỡi đến cuống họng, dạ dày, ruột non, ruột già. Toàn thân người ngấm thuốc da xanh như lá cỏ, lúc chất độc phát tác khiến cho nóng rực ở bên trong phải xuống sông suối để ngâm mình.


video: Những con số gây sốc về ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp. Riêng BAO BÌ thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm Việt Nam thải ra 19.000 tấn, hầu hết không được thu gom xử lý. Nguồn: VTV

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…