Chất độc nảy mầm họa
Mầm họa đó có thể là các ca ngộ độc trực tiếp thuốc BVTV mà theo như bác sĩ Mè Thị Xuân - Phó khoa hồi sức tích cực, chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thì mỗi năm riêng đơn vị đón nhận khoảng 50 ca ngộ độc thuốc trừ sâu và 100 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ.
Trong số các ca ngộ độc thuốc cỏ có khoảng 50% ngộ độc thuốc cháy nhanh (paraquat). Những ca này rất khó chữa trị vì chỉ có chất hấp thụ độc chứ không có thuốc giải nên nằm viện một thời gian người thân thường xin cho về nhà lo hậu sự, 50% sẽ tử vong sau đó một vài ngày. Mầm họa đó là hàng trăm trường hợp ngộ độc ở các cấp độ khác nhau, tuy không chết ngay nhưng có thể sinh ra ung thư, đẻ non hay sảy thai hoặc bệnh lạ…
Một số trưởng bản ở Sơn La thú thực với tôi rằng trước đây tuy dân mình lĩnh tiền bảo vệ rừng do Nhà nước cấp nhưng bản thân không biết rừng trên địa bàn mất hay còn vì nạn phun thuốc trừ cỏ. Xưa phá rừng bằng sức người rất khó vì ngoài cây gỗ còn cây bụi, cây dây leo, trảng cỏ đan xen chằng chịt. Giờ đã hình thành nên cả một công nghệ phá rừng, chỉ việc phun thuốc xung quanh các gốc cây, đợi 10 ngày sau cỏ chết, đất mềm rồi tra ngô vào.
Bị ngộ độc bởi thuốc, bị cạnh tranh dinh dưỡng bởi ngô nên cây rừng yếu đi nhanh chóng và có thể chặt bỏ dễ dàng bằng dao hay bằng cưa máy. Những cây thân to như bắp chân, bắp đùi thậm chí như cột nhà cũng phải đổ gục trước thủ đoạn đầu độc rất tinh vi và nhẹ nhàng của con người ngày nay.
Lác đác có người đi cày |
Rừng cứ thoáng dần rồi bị cạo trọc lốc từng chòm, từng đám như đầu của người ung thư sau xạ trị còn ngô cứ bò mãi, bò mãi tít lên đỉnh đồi, đỉnh núi, chạm cả vào mây trời. Thế nhưng chính những người nông dân năm nào quyết liệt phá rừng trồng ngô giờ đây lại bỏ trắng nương rẫy vì giá bán nông sản rất rẻ mạt.
Đáng tiếc là những nương ngô hoang ấy rất khó có cơ hội trở lại thành rừng vì một phần đã hết màu mỡ, một phần nếu trồng cây lâm nghiệp vào mấy năm sau giá ngô đắt dân quay lại trồng ngay vì hầu hết đã có sổ đỏ. Tất cả là một vòng tròn đầy bế tắc.
Những mùa ngô xa vắng
Ông Tòng Văn Phúc - Chủ tịch xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn thống kê nhanh với tôi diện tích đất nông nghiệp của địa phương mình vào khoảng 1.700ha trong đó khoảng 300 - 400ha đã bị bỏ hoang 2 năm nay, tập trung ở bản Heo, bản Luần, bản Pơn, bản Mòng... Trước tình hình nguy cấp, hội nghị giao ban nào xã cũng phải lồng ghép vào nội dung tuyên truyền chống bỏ hoang đất nhưng không mấy thành công. Ngô sắn không được giá, đất đai lại sớm bạc màu khiến cho người dân Tà Hộc phải bỏ quê đi làm thuê, tha phương cầu thực đông tới trên 200 người.
Trước đây khi hạt ngô còn được giá, người ta tranh nhau gieo trồng, tranh nhau thuê đất nhưng nay khi hiệu quả gần như không có thì thi nhau bỏ hoang. Trước đây, mỗi vụ thu hoạch ngô bà con nô nức xuống núi mua sắm xe máy, ti vi, quần áo mới, đông như trẩy hội, giờ chỉ còn vắng lặng đìu hiu. Sau mỗi vụ ngô, đồ đạc trong nhà lại rỗng đi một ít. Sau mỗi vụ ngô, chuồng trâu chuồng bò lại vắng đi một vài con vì phải bán đi để trả nợ hay bị chính các chủ nợ đến tận nơi tịch thu. Bản Hộc xã Tà Hộc có khoảng trên 10 nhà đã mất trâu, mất bò như thế.
Cũng ở bản này có rất nhiều người như Lường Văn Nam, Lèo Văn Mở bỏ nương không chịu làm, như Lèo Văn Quý, Đinh Văn Hóa bỏ nơi chôn rau cắt rốn lang bạt tận Hà Nội. Mà đâu chỉ riêng Tà Hộc, hầu như xã nào ở Sơn La có trồng ngô đều có hiện tượng bỏ hoang nương rẫy.
Đám nương bỏ hoang ở Tà Hộc |
Anh Nguyễn Văn Tiến - cán bộ khuyến nông xã dẫn tôi băng qua một con suối rộng để chứng kiến cảnh bạt ngàn những chòm nương rẫy bị bỏ hoang, lau lách mọc đầy. Dưới làn mưa lay phay, cảnh vật càng nhuốm vẻ u sầu, buồn thảm.
Chị Hà Thị Lắm vợ của anh Lò Văn Cương vẫn còn thất thần khi kể về cái chết của chồng bởi uống nhầm thuốc trừ cỏ. Trước đây, gia đình vốn cất thuốc rất cẩn thận bởi hiểu rằng nó rất độc, bữa đó chẳng biết thế nào, sơ ý chai thuốc lại lọt vào tay anh. Trong cơn đầu óc không bình thường anh đã rót ra một chén uống.
Từ đó, ở nhà chị, việc phun thuốc trừ cỏ do người con trai đầu là Lò Văn Hùng năm nay 24 tuổi đảm nhiệm vì nó đã cưới vợ, đã có 2 con rồi nên cứ yên tâm mà phun. Thằng em Lò Văn Hải năm nay tuy đã 19 tuổi, sức dài vai rộng thật đấy nhưng bởi chưa lấy vợ, chưa có con nên bị mẹ cấm ngặt, không được phép động đến cái bình phun thuốc cỏ.
Làm được một thời gian, thấy không hiệu quả lại quá độc hại nên Lò Văn Hùng đã bỏ nhà đi làm thuê ngoài Quảng Ninh còn Lò Văn Hải thì đi phụ hồ để lại mình người mẹ trẻ ở quê với vết thương lòng chưa kịp kín miệng. Chị chỉ cấy mấy sào lúa đủ để lấy thóc ăn còn gần 3 ha nương vì sức cùng, lực tận đành chấp nhận bỏ hoang.
Một trường hợp khác là cặp vợ chồng Lèo Văn Quý. Sau cái chết của hai đứa con mới sinh họ đã sợ hãi việc làm nương, phun thuốc trừ cỏ và gửi đứa con cả cho bà nội trông, khăn gói đi Hà Nội làm thuê. Giờ đây, một mình bà Đinh Thị Đeng ở lại, cáng đáng hết việc nhà cửa lại phải trông cháu nên cũng đành bỏ không 2ha đất nương.
Gia đình cuối cùng mà tôi đến là nhà bà Lèo Thị Nín. Bà năm nay 60 tuổi ở cùng người thân trong một chiếc lều nương nhỏ bé đến nỗi nó rung lên bần bật dưới mỗi bước chân người. Khi tôi đến bà đang bốc xôi trong một cái ếp (dụng cụ đựng xôi của người Thái - PV) trệu trạo nhai. Xôi đồ từ lâu, đã cứng lại như đá khiến cho bà nhai nuốt một cách khó nhọc.
Gia cảnh của bà Nín |
Nhà có 3ha nương thì đã bỏ 1ha hoang 2 năm nay bởi không có tiền mua phân, mua giống. Nợ nần quá nhiều 2 con bò của gia đình cũng phải bán đi để trả cho chủ nợ ở ngoài thị trấn Hát Lót. Cái lều nương rỗng rễnh và nhàu nhĩ như dạ dày của một con bò đói, chẳng có gì đáng giá quá 100.000đ bên trong. Ở góc nhà tôi thấy có một đống hạt muỗm và vài quả muỗm chín vàng.
Bà Nín bên đống hạt xoài |
Bà Nín bảo gần nhà có cây muỗm mọc hoang nên thời gian này suốt ngày ra chờ rụng. Sau khi ăn no bụng thịt quả thì bà giữ lại hạt để dành bán. Cứ 1kg hạt muỗm bán được 3.000đ. Ngày chịu khó ăn, chịu khó nhằn hạt cũng để ra được khoảng 10.000đ.
Lều nương của bà Nín |
Giờ nhiều người dân trong bản cũng tìm đến những cây muỗm mọc sâu trong rừng để chờ nhặt quả rụng như bà Nín bởi vì đó cũng là một kế sinh nhai cho qua ngày đoạn tháng.