| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam và Úc cam kết phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Ba 10/05/2016 , 19:01 (GMT+7)

Ngày 10/5 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, Hiệp hội Gia súc sống, Hiệp hội Thịt và gia súc Úc, Hội Chăn nuôi Việt Nam đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Lợi nhuận từ bò sinh sản”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, ngài Layton Pike nhấn mạnh, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống chăn nuôi và tác động của các yếu tố nước ngoài đã làm bộ mặt của nền chăn nuôi gia súc Việt Nam thay đổi một cách chóng mặt.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Úc đã cùng cam kết để tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi không những để đảm bảo an ninh lương thực mà còn nâng cao năng lực sản xuất.

Thực tế, trong ba năm qua sự đầu tư của đối tác Úc vào ngành thịt bò Việt Nam đã tăng lên đáng kinh ngạc, không chỉ trong xuất khẩu gia súc sống mà còn thông qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào cơ sở hạ tầng trang trại, lò giết mổ và đào tạo kỹ năng cho nhân viên.

Không dừng lại ở đó, phía Úc cũng luôn mong muốn phát triển các khía cạnh khác trong chuỗi chăn nuôi bò thịt, bao gồm cả việc nhân giống, sinh sản cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm để việc hợp tác giữa phía Úc và Việt Nam đi vào chiều sâu và lợi nhuận thu về ngày càng bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao sáng kiến hợp tác giữa các cơ quan của Úc và Việt Nam nhằm thặt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt khi cả Việt Nam và Úc đều là thành viên của Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2015 Việt Nam đã nhập khẩu trên 300.000 con bò từ Úc về để vỗ béo giết thịt, đưa Việt Nam vươn lên trở thành đối tác lớn thứ 2 về nhập khẩu bò Úc sau Indonesia (700.000 con). Với mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ thịt bò trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam chiếm khoảng 20% nên nhu cầu và tiềm năng phát triển bò thịt của Việt Nam là rất lớn...

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, Việt Nam đang đẩy mạnh áp dụng thụ tinh nhân tạo giữa những bò cái bản địa đã qua đánh giá cá thể với tinh bò thịt nhập khẩu chất lượng cao như BBB, Charolaise, Brahman, Angus… để đưa nhanh tỷ lệ bò lai máu ngoài vào quần thể. Tỷ lệ bò lai tăng lên 70% vào năm 2020.

Thứ hai là nhập tinh, phôi bò thịt chất lượng cao từ các nước tiên tiến về đẩy nhanh tiến bộ di truyền giống phục vụ công tác chọn tạo và nhân giống bò thịt ở Việt Nam. Từng bước sử dụng tinh phân giới dòng đực để tạo tạo quần thể bò đực để chăn nuôi vỗ béo công nghiệp phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

14-19-26_picture2
Chăn nuôi bò Úc tại Việt Nam cần phát triển đồng bộ

Thứ ba là nhập đàn cái giống nền để hình thành đàn cơ sở trong các giống bò nhập ngoài từ Úc và một số nước. Sử dụng chọn tạo nhân thuần các giống Brahman, Charolaise, Angus, Serepol… ở Việt Nam để lai tạo các giống bò thịt chất lượng cao phục vụ chăn nuôi bò thịt công nghiệp. Do đó, phía Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tối đa từ phía Úc nhằm trao đổi, chuyển giao những công nghệ sinh sản ưu việt và tiên tiến trên thế giới hiện nay.

GS.TS. Vũ Chí Cương, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cảnh báo, nhập bò sống thương mại của Úc về Việt Nam giết mổ và vỗ béo đang rất nóng, nhưng không bền vững và cũng không phải là chiến lược trong công tác giống bò thịt do bắt đầu gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt về nhập khẩu với Indonesia và Trung Quốc. Hiện, một số Cty đã chuyển hướng sang nhập bò sống ở Nam Mỹ như Colombia. Do đó, tương lai sẽ khó khăn hơn vì thiếu hàng, giá cả sẽ tăng dần, lợi nhuận sẽ ngày càng giảm...

"Nhập bò sống thương mại rủi ro lớn về môi trường, dịch bệnh. Vì vậy, chăn nuôi bò ở Việt Nam phải xác định mục tiêu phát triển bền vững và giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu thông qua chiến lược chương trình nhân, tạo giống bò thịt công nghiệp chủ động dựa trên các nguồn giống bò đã nhập", GS.TS Vũ Chí Cương nói.

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 1] Áp lực dịch hại, tăng chi phí trên cánh đồng lúa 3 vụ

ĐỒNG THÁP Việc thâm canh 3 vụ lúa/năm ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đang bộc lộ nhiều hạn chế do áp lực sâu bệnh, dịch hại, đội chi phí sản xuất tăng cao.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất