| Hotline: 0983.970.780

Vườn đào 2 màu lá, nông dân trắng tay

Thứ Tư 18/09/2024 , 09:47 (GMT+7)

Ở phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên có khoảng 250 hộ trồng đào, nhưng đi vài bước chân, qua hai hộ liền kề thì thiệt hại đã lên tới cả tỷ đồng do lũ lụt.

Chị Đào Thị Ngát buồn bã nhìn 'cây đào 2 màu lá' do lũ gây ra. Ảnh: Quang Linh.

Chị Đào Thị Ngát buồn bã nhìn "cây đào 2 màu lá" do lũ gây ra. Ảnh: Quang Linh.

Do ảnh hưởng của mưa, lũ từ hoàn lưu bão số 3 (Yagi), nước sông Cầu có lúc đạt báo động 3, gây ngập trắng khu A, vùng trồng hoa đào Cam Giá, TP Thái Nguyên. Ghi nhận của phóng viên, nước lũ gần như đã rút hết ở khu vực bãi sông, để lại lớp bùn dày, đặc quánh.

Phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên có gần 250 hộ dân trồng đào. Nhờ trồng đào mà nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập từ gần trăm triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đợt mưa lũ kỉ lục vừa qua đã khiến rất nhiều hộ dân tại làng đào tay trắng tay mà không thể làm gì hơn.

Theo thống kê của UBND phường Cam Giá, diện tích cây đào bị ngập úng lên tới 19 ha, thiệt hại ước tính hơn 21,8 tỷ đồng. 

Chị Đào Thị Ngát, trú tại tổ 4, phường Cam Giá cho biết, gia đình chị trồng 600 - 700 gốc đào lớn, nhỏ trên diện tích gần 5.400m2. Nhìn những gốc đào chia hai nửa nâu - xanh, chị Ngát phải thốt lên: “Chán hẳn, phải vứt hết”

“Thời điểm này, lẽ ra chúng tôi chỉ cần cắt tỉa, tưới nước chờ khoanh gốc và tuốt lá là có thể chuyển đi tiêu thụ phục vụ thị trường Tết. Con lũ lớn quá, không kịp trở tay. Nước dâng cao từ 1,5 - 2m, gia đình tôi may mắn còn sơ tán được chứ chẳng kịp nghĩ đến của cải”, chị Ngát buồn bã.

Ước tính, vườn đào của gia đình chị Ngát thiệt hại lên tới 500 triệu đồng. Với kinh nghiệm làm đào trên 20 năm, chị Ngát nhận định, đào là loại cây cảnh đặc thù, kén điều kiện khí hậu và thời tiết nên việc khôi phục những cây đào bị ngâm nước nhiều ngày dưới lớp bùn nước cao trên 1m là không thể. Hàng trăm triệu tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc chị Ngát phải vay nợ ngân hàng để đầu tư, nay không biết xoay xở ở đâu để bù lỗ.

“Nhà tôi toàn gốc đào to, nhiều nơi còn đặt hàng trước từ giữa năm, buồn lắm. Rất mong cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ để bà con sớm ổn định sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng cũng nên có chính sách giãn nợ, giảm lãi cho các hộ thiệt hại nặng về nông nghiệp như gia đình tôi”, chị Ngát hy vọng.

Vườn đào của ông Tô Văn Như tại phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Vườn đào của ông Tô Văn Như tại phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Liền kề vườn đào của gia đình chị Ngát là vườn đào của ông Tô Văn Như. Sau những ngày mưa lớn, ngập sâu, đến hôm nay trời nắng to, nền nhiệt cao, nhưng bùn đất tại vườn đào vẫn còn đọng lại, nhão nhoẹt, đi vào như lội ruộng.

“Nước ngập lên cả tầng 2 nhà tôi, phải chạy lụt hết. Lũ rút, về đến nhà thấy vườn đào xơ xác, như cái ruộng ngô khô, tôi bần thần nhìn mãi không muốn về. Vườn của tôi cỡ 500 gốc, thiệt hại lên tới 500 triệu”, ông Như kể lại.

Vườn đào Cam Giá ven sông cầu xơ xác sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Quang Linh.

Vườn đào Cam Giá ven sông cầu xơ xác sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Quang Linh.

Ở Cam Giá có khoảng 250 hộ trồng đào, nhưng đi vài bước chân, qua hai hộ liền kề thì thiệt hại đã lên tới cả tỷ đồng, bà con nơi đây phải thốt lên: “Không phải mất người, nhưng cũng quá đau xót”.

Không chỉ mất mát toàn bộ vườn đào, ông Như cũng phải tốn thêm nhiều chi phí để thuê nhân công nhổ gốc, dọn vườn với hy vọng làm lại vào năm sau.

Cùng trú tại tổ 4, phường Cam Giá, anh Phạm Quang Bẩy có khoảng 300 gốc đào bị ngập nước và gần như không thể cứu vãn. Gặp chúng tôi trong lúc vừa tới nhà văn hóa tổ dân phố để thống kê tình hình thiệt hại sau mưa lũ, anh Bẩy nói, bà con tới kê khai đông lắm, nhà nào ít thì thiệt hại chục triệu đồng, nhiều thì cả trăm tới tỷ đồng. 

“Đầu tháng 9, cây đã hoàn tất các giai đoạn chăm, bón, chỉ chờ ngày rồi bán Tết, nhưng lũ lớn đã cuốn đi tất cả. Vườn đào không còn, tôi cũng không còn vốn để thu hồi. Thậm chí, giờ còn không đủ tiền để thuê người thu dọn vườn đào”, anh Bẩy trầm tư.

Các hộ trồng đào tại Cam Giá cũng nhận định, với tình hình thiệt hại lớn tại nhiều vùng trồng đào trọng điểm. Dự báo, năm nay lượng đào cung ứng ra thị trường tết sẽ kham hiếm và tăng giá rất cao.

Ông Vũ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá cho biết, toàn bộ diện tích đào ngập trong nước không thể cứu nổi, chỉ đợi nhổ rồi bỏ đi. Hiện nay, phường Cam Giá đã thống kê thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhất là cây đào để làm cơ sở hỗ trợ bà con theo đúng quy định. 

"Ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương, hy vọng các ngân hàng cũng sẽ có các hình thức hỗ trợ nông dân vay vốn, hoặc giãn nợ đối với các hộ đang vay để bà con ổn định sản xuất. Thiên tai là điều không ai mong muốn xảy ra, do đó rất cần sự chung tay từ các bên", ông Long chia sẻ.

Hiện nay, UBND TP. Thái Nguyên đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các phường, xã đảm bảo các đối tượng được hỗ trợ đáp ứng các điều kiện tại Điều 3 Hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách và mức hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.