| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Hải Dương gấp rút hỗ trợ nông dân tái sản xuất

Thứ Tư 18/09/2024 , 18:32 (GMT+7)

Các khuyến nông viên tỉnh Hải Dương được phân công theo từng khu vực phụ trách để tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân tái sản xuất sau thiệt hại do bão số 3.

Bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương (bìa phải) và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương - bà Trần Thị Hải (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn bà con nắm bắt kỹ thuật tái sản xuất chăn nuôi trong tài liệu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương (bìa phải) và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương - bà Trần Thị Hải (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn bà con nắm bắt kỹ thuật tái sản xuất chăn nuôi trong tài liệu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau bão số 3 và mưa lũ, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã tổ chức kiểm tra thiệt hại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp hỗ trợ, dướng dẫn bà con tái sản xuất.

“Theo đánh giá sơ bộ của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, thiệt hại của ngành nông nghiệp Hải Dương sau bão số 3 ước tính hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó nặng nề nhất là trồng trọt và thủy sản”, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết.

Trước tình hình đó, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tỉnh đã gấp rút thực hiện các giải pháp hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, sớm khôi phục sản xuất.

Với vai trò hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã sớm nắm bắt thiệt hại tại cơ sở để đưa ra giải pháp tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp kỹ thuật, quy trình xử lý môi trường phục vụ sản xuất.

Để công tác này được triển khai thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã có quyết định phân công lực lượng khuyến nông viên tham gia chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ tại các địa phương.

Cán bộ khuyến nông Hải Dương hỗ trợ bà con tiêu độc, khử trùng trang trại nuôi gà tại thành phố Chí Linh sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ khuyến nông Hải Dương hỗ trợ bà con tiêu độc, khử trùng trang trại nuôi gà tại thành phố Chí Linh sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, các khuyến nông viên đã và đang phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền địa phương chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình khôi phục sản xuất.

“Sau khi bà con khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra như vệ sinh chuồng trại, lồng nuôi thủy sản, chúng tôi sẽ hỗ trợ công tác khử trùng, tiêu độc cũng như hướng dẫn lựa chọn đối tượng, kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện và nhu cầu thị trường”, bà Hải cho biết.

Với chủ trương từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tờ rơi, tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp đã được in ấn và chuyển đến tay bà con nông dân. Nội dung của các tờ rơi, tờ gấp này bao gồm nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Trước đó, các nội dung này đã được đăng tải trên cổng thông tin của Sở NN-PTNT cũng như Trung tâm Khuyến nông tỉnh để bà con sớm tiếp cận.

Ngoài hướng dẫn kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cũng kết nối, hỗ trợ bà con nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách và thành phố Chí Linh tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng bão số 3. Trong 2 ngày ra quân thực hiện hỗ trợ, lực lượng khuyến nông tỉnh đã kết nối, tiêu thụ được hơn 10 tấn cá các loại, bao gồm chép, trắm, lăng… cho người nuôi thủy sản.

Chủ trang trại gà ở thành phố Chí Linh, Hải Dương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trước khi tái sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Chủ trang trại gà ở thành phố Chí Linh, Hải Dương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trước khi tái sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước đó, nhằm giúp bà con nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành quy trình hướng dẫn đối với từng cây trồng, vật nuôi và chuyển tải đến lực lượng khuyến nông các tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ để phổ biến, truyền tải đến các hộ nông dân tại địa phương.

Có thể thấy, công tác khắc phục sản xuất cũng cấp bách như chống bão lũ. Chính vì vậy, cần giải quyết càng sớm càng tốt với tinh thần nhanh, hiệu quả, đúng quy trình.

Hiện nay, lực lượng khuyến nông ở nhiều địa phương đã vào cuộc, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất cây vụ đông ngắn ngày, chăn nuôi gia cầm, nuôi thuỷ sản nước ngọt… để đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.