Ngày 21/10, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Cục C06) phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tổ chức Lễ ký Thỏa thuận Hợp tác toàn diện thuộc lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Phát biểu tại Lễ ký, Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, với những nỗ lực, kết quả đã đạt được và nội lực phát triển trong thời gian tới, hôm nay, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vinh dự cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06, Bộ Công an ký kết Thỏa thuận Hợp tác toàn diện nhưng không giới hạn các nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính gắn với người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để từng bước đẩy mạnh thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng thời, thúc đẩy phát triển các dịch vụ công, an sinh xã hội.
"Việc hợp tác giữa Cục C06 và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là minh chứng quan trọng, khẳng định thêm mối quan hệ chặt chẽ, sâu sắc giữa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Cục C06 trong tiến trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới", Tổng giám đốc nhấn mạnh.
Phát huy vai trò doanh nghiệp bưu chính quốc gia, lợi thế về mạng lưới rộng đến cấp xã trên cả nước, cùng kinh nghiệm nhiều năm trong triển khai các dịch vụ hành chính công, Bưu điện Việt Nam được đánh giá cao về năng lực phục vụ, quy trình chuyển phát cũng như chỉ tiêu chất lượng dịch vụ.
Bưu điện Việt Nam hiện đang là đơn vị triển khai tốt công tác chi trả bao gồm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, chế độ Người có công, trợ giúp BTXH được người dân và xã hội đánh giá cao.
Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam còn thử nghiệm và bước đầu mở thành công 217.961 tài khoản thanh toán cho đối tượng hưởng an sinh xã hội theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua Bưu điện; thực hiện quản lý trên 1.5 triệu hộ kinh doanh với số tiền thuế đã nộp ngân sách Nhà nước trung bình mỗi năm trên 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty thực hiện đồng bộ chi trả an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, người có công, bảo trợ xã hội.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ, Tổng công ty cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ vào tất cả các công đoạn để rút ngắn thời gian chuyển phát hồ sơ, góp phần trong công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số tại các địa phương.
Đồng thời, giảm tải áp lực, nâng cao chất lượng hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo hướng văn minh, hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi nhiều nhất và mang lại sự hài lòng cao nhất cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai Bên đồng ý hợp tác triển khai các nội dung bao gồm nhưng không giới hạn, cụ thể:
1. Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công/dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ của Bưu điện.
2. Hợp tác triển khai Mô hình sàn giao dịch nông sản đồng thời chia sẻ thông tin, truyền thông đến người dân để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, sản vật địa phương.
3. Bưu điện Việt Nam là đầu mối triển khai nhiệm vụ chi trả an sinh xã hội.
4. Phối hợp triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu qua dịch vụ bưu chính công ích.
5. Phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6. Hai bên nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của Bưu điện Việt Nam vào CSDL dân cư quốc gia để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ khác và các hoạt động khác của Cục Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
7. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, phổ cập kỹ năng số đối với các tiện ích, dịch vụ liên quan đến dân cư cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công.
8. Triển khai kết nối hệ thống dịch vụ thanh toán trực tuyến trên hệ thống cổng dịch vụ công.
9. Các hoạt động hợp tác khác phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi Bên tùy theo từng thời kỳ cụ thể.