Giống được hỗ trợ là giống Mimas. Tính đến nay đã có 70 cặp đẻ, ấp nở đạt gần 90%, bồ câu ra ràng có giá bán 110.000 đồng/cặp, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận 60.000 đồng/cặp.
Mô hình này không yêu cầu nhiều về tiền vốn và diện tích, với qui mô 50 – 100 cặp chim bồ câu thì cần diện tích trại khoảng 50 m2, con giống có giá từ 250.000 – 450.000 đồng/cặp hậu bị, chi phí thức ăn và thuốc thú y không nhiều, mỗi lứa cách nhau trung bình 50 ngày.
Anh Trần Văn Nên, ở ấp Tân Qui 1, xã Tân An Hội tham gia mô hình, có tỷ lệ chim đẻ đạt 100%, 10 cặp đẻ cho ra được 18 chim con. Theo kinh nghiệm của anh, việc tuyển lựa trứng, ghi chép số chuồng, ngày đẻ cần thực hiện nghiêm ngặt. Trứng đẻ 5 ngày phải soi, nếu trứng không có trống loại bỏ ngay, trứng còn lại chuyển qua cặp đẻ cùng ngày để ấp. Khi 3 cặp chim nở, sẽ tách một cặp con dồn cho hai cặp nuôi, cặp còn lại 7 ngày sau đẻ tiếp, chim nở 15 - 20 ngày là bán được.
Về vấn đề chăm sóc, anh cho biết, sử dụng thức ăn công nghiệp viên trộn với gạo lứt theo tỷ lệ 1:1, cho ăn ngày 2 lần; thường xuyên bổ sung thêm khoáng và vitamin cho ăn tự do; nước uống phải luôn đầy đủ và sạch; chú ý thường xuyên kiểm tra độ gầy, béo của chim đẻ để đều chỉnh thức ăn cho phù hợp.
Cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng cho bồ câu như 3 ngày tuổi nhỏ vắc xin Lasota, có thể nhắc lại sau 2 tuần, 10 – 15 ngày tiêm vắc xin đậu qua màng cánh, 1 tháng trở lên tiêm vắc xin Newcatle hệ 1 dưới da 0,3ml/con, bổ sung thêm kháng thể Gumborro. Ngoài ra anh còn thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại, ổ đẻ cho bồ câu.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp quy mô nông hộ là hướng đi đúng đắn, mang lại nguồn thu nhập ổn định, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Tuy nhiên cần có định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật của ban ngành chức năng để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.