Đó là phân kém chất lượng của các Cty: Cty CP Sinh hóa Củ Chi, Cty TNHH SX phân bón Bình Việt, Cty TNHH Phân bón Sao Mai, Cty TNHH Đông Hải, Cty CP Phân bón Tân Việt Phi, Cty TNHH Phân hữu cơ Bình Dương, Cty TNHH SX-TM phân bón Việt Ấn.
Ngay sau khi sự việc được Chi cục QLTT Vĩnh Long kiểm tra lấy mẫu đem đi xét nghiệm và công bố, chúng tôi đã gặp nhiều nông dân mua phải phân bóm kém chất lượng. Ông Trần Văn Một, cán bộ địa chính xã Trà Côn, huyện Trà Ôn cho biết: “Hầu như nông dân trong xã đều mua phải phân bón kém chất lượng. Chính bản thân tôi cũng mua phải phân bón dỏm. Tôi có 4,5 công lúa HT được 22 ngày tuổi, ra đại lý mua 1 bao phân NPK 16-16-8-13S của Cty TNHH Phân hữu cơ Bình Dương. Lúc tháo bao phân ra trộn với các loại phân khác thì phát hiện hạt phân có màu gần giống như đất sét, hạt phân lại ẩm ướt. Tôi đem vãi xuống ruộng chờ mãi mà cây lúa vẫn còi cọc”.
Ông Trần Trọng Thanh, ấp Tầm Vu, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn cũng mua phải phân kém chất lượng bón cho 6 công lúa HT bức xúc: “Tình trạng phân bón kém chất lượng đã xuất hiện từ vụ lúa đông xuân. Chúng tôi biết nhưng không có cơ sở khoa học để chứng minh nêu chịu”. Còn ông Thạch Thiệt, ấp Gia Kiết, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn chát chúa: “Tôi mua 5 bao phân 16-16-8-13S của Cty TNHH Đông Hải về bón cho 6 công lúa nhưng lúa không phát triển như những vụ trước. Bón phân xuống ruộng mấy ngày mà phân không tan”.
Ông Nguyễn Văn Sung, Giám đốc Cty CP Phân bón sinh hóa Củ Chi: Khi nhận được thông báo của Chi cục QLTT Vĩnh Long về các mẫu phân không đạt, chúng tôi cho thu hồi lại toàn bộ. Chúng tôi sẵn sàng bồi thường và xuống tận nơi xem xét các đám ruộng lúa của nông dân sử dụng phân bón của Cty. TL |
Trong lúc lấy mẫu phân bón của 7 đại lý có tổng cộng khoảng 940 bao phân, đến khi có kết quả của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, ngành chức năng đã tiến hành xử lý thì các đại lý đã tiêu thụ hơn 700 bao phân. Chi cục cũng đã tiến hành xử phạt mỗi đại lý với hình phạt cao nhất trong việc vi phạm kinh doanh hàng hóa kém chất lượng là 12 triệu đồng/đại lý. Đây là mức phạt quy định chung của Nhà nước, mức phạt này còn quá nhẹ.
Theo chúng tôi nếu căn cứ vào ngày sản xuất ghi trên bao bì của các Cty đến khi phát hiện thì các doanh nghiệp này đã đưa ra thị trường một lượng phân kém chất lượng không nhỏ. Hậu quả là nó sẽ làm cho hàng ngàn nông dân trồng lúa mất đi một khoản lợi nhuận rất lớn.
7 mẫu phân bón kém chất lượng bị phát hiện: - Mẫu phân NPK 23-23-0, sản xuất ngày 6/3/2008 của Cty CP Sinh hóa Củ Chi. Kết quả thử nghiệm: (14,6 – 10,6 – 0,11) - Mẫu phân NPK 20-20-15, sản xuất ngày 7/3/2008, của Cty TNHH Sản xuất phân bón Bình Việt. Kết quả thử nghiệm: (17,2 – 0,9 – 2,7) - Mẫu phân hữu cơ Sao Mai, sản xuất ngày 2/1/2008, của Cty TNHH Phân bón Sao Mai ghi bao bì là: hữu cơ 20%: Nitơ 2,5%; Oxitphotphoric 3%; Oxitkali 2,5%. Kết quả thử nghiệm: Hữu cơ 7,4%; Nitơ 0,8%; Oxitphotphoric 1,2%; Oxitkali 0,4% - Mẫu phân NPK 16-16-8-13S, sản xuất ngày 21/2/2008, của Cty TNHH Đông Hải. Kết quả thử nghiệm: (1,4 - 0,6 - 0,03 - 1,5) - Mẫu phân NPK 16-16-8-13S, sản xuất ngày 15/3/2008, của Cty CP Phân bón Tân Việt Phi. Kết quả thử nghiệm: (8,8 – 5,9 – 6,4 – 8,2) - Mẫu phân NPK 16-16-8-13S, sản xuất ngày 1/3/2008, của Cty TNHH Phân hữu cơ Bình Dương. Kết quả thử nghiệm: (5,6 – 2,7 – 2,5 – 5,5) - Mẫu phân 20-20-15, sản xuất ngày 19-2-2008 của, Cty TNHH Sản xuất - Thương mại phân bón Việt Ấn. Kết quả thử nghiệm: (17,8 – 2,4 – 4,5) (Nguồn: Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long)