| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển bò và gia cầm

Thứ Ba 17/12/2019 , 13:10 (GMT+7)

Vĩnh Phúc hiện đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, bò sữa, các loại vật nuôi khác có ưu thế đối với từng địa phương để có nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn khi dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra.

2.000 con gà thịt của gia đình ông Trung đang trong thời kỳ chuẩn bị xuất bán.

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm, lượng lợn phải tiêu hủy giảm đi đáng kể và tại nhiều địa phương đã tiến hành công bố hết dịch. Tuy nhiên, việc phải tiêu hủy lợn do mắc bệnh DTLCP đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi lợn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Để tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm cung cấp cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới nhất là vào các tháng cuối năm. Ngay từ thời điểm cuối tháng 6/2019, tỉnh đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, bò sữa, bò thịt cũng như các loại vật nuôi khác có ưu thế đối với từng địa phương để có nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn. 

Trong đó, Vĩnh Phúc khuyến khích người chăn nuôi phát triển nhanh nuôi gia cầm hướng thịt, hướng trứng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Về chăn nuôi trâu, bò, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện việc lai tạo các giống bò sữa, bò thịt mới có năng suất, chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt để tăng trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt.

Đối với các vật nuôi khác, căn cứ điều kiện của từng vùng, từng địa phương cũng như các đối tượng vật nuôi tiềm năng, lợi thế sẵn có để khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể cho người dân phát triển đàn, tăng năng suất.

Ước tính số lượng đàn vật nuôi của tỉnh năm 2019: Đàn trâu có 17.900 con, đàn bò có 110.000 con (trong đó bò sữa có 13.360 con); đàn lợn có 458.500 con, đàn gia cầm có 11,2 triệu con. Trong năm 2019, mặc dù bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn tới sản xuất chăn nuôi lợn tuy nhiên một số sản phẩm chăn nuôi khác vẫn tăng mạnh như: Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 33.492 tấn, tăng 6,14%; sản lượng sữa tươi ước đạt 28.363 tấn, tăng 18,23%; trứng gia cầm ước đạt 520,31 triệu quả, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2018. 

“Chủ trương tỉnh sẽ khuyến khích liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng; xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi liên kết như: Tổ hợp tác, HTX chăn nuôi,... để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ” - Ông Lê Xuân Công cho biết.

Ông Bằng Văn Trung xã Minh Quang, huyện Tam Đảo cho hay: Sau khi xảy ra bệnh DTLCP, nhiều hộ gia đình trong xã có lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy; từ đó nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển dần sang nuôi gia cầm. Đến nay, giá thịt gà hơi liên tục tăng và hiện đang ở mức cao, đạt gần 70 nghìn đồng/kg.

Gia đình ông Trung có 2.000 con gà thịt đang trong thời kỳ chuẩn bị xuất bán và 2.000 con đã nuôi được gần 01 tháng; toàn bộ giống gà Ri lai của gia đình được nuôi theo quy trình thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm vì vậy gà phát triển đồng đều, tiêu tốn thức ăn giảm, tăng trọng tốt từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Theo ông Lê Xuân Công, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện hỗ trợ, quản lý chặt chẽ về giống và cải tạo giống lợn, bò; quản lý về môi trường chăn nuôi; quản lý tốt về thức ăn chăn nuôi và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi tự trộn đạt hiệu quả; xây dựng các mô hình phát triển hạ tầng trang trại, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn đối với lợn và bò sữa.

Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi; điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với tình hình thực tế chăn nuôi và diễn biến bệnh DTLCP.

Cùng đó tập trung chỉ đạo ưu tiên phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung, công nghiệp. Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo VietGAP để hình thành các vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa lớn tạo liên kết theo chuỗi giá trị.

Phát triển đàn gia cầm, đàn bò thịt, bò sữa và những vật nuôi có hiệu quả, có thị trường, đảm bảo cung ứng các nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dung của nhân dân.

Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường để làm cơ sở tính toán cho việc phát triển đàn một cách hợp lý. Chỉ đạo hệ thống thú y thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm chăn nuôi; giám sát và kiểm soát dịch hiệu quả.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.