| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

Bài 6: Cấy lúa hiệu ứng hàng biên và Trạm BVTV chỉ có 1,5 người

Thứ Tư 14/07/2021 , 08:00 (GMT+7)

'Ối con ơi là con, từ thời thượng cổ đến giờ tao chưa thấy ai cấy lúa thưa như thế này, lại còn hàng rộng với chả hàng hẹp, làm sao mà có ăn?'.

Lúa cấy kiểu hàng rộng, hàng hẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúa cấy kiểu hàng rộng, hàng hẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hay nhưng lan tỏa chậm

Mẹ anh Lê Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đống Cao xã Văn Tiến (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) khi ra thăm đồng đã hớt hải kêu lên như vậy. Thấy chuyện, xã viên kéo đến xem thửa “ruộng lạ” có hàng rộng cách nhau 40 cm, hàng hẹp cách nhau 20 cm, mật độ chỉ 22 khóm/m2, bằng một nửa so với cách cấy thông thường rồi xôn xao bàn tán.

Năm 2012 khi Đống Cao bắt đầu áp dụng cấy hiệu ứng hàng biên chỉ dám làm có 2 sào trong đó nhà anh Hải 1 sào. Thế mà không ngờ được mùa ngay vụ đầu. Bông lúa hai bên hàng hẹp rủ xuống hàng rộng đều tăm tắp như uốn câu khiến cho chủ ruộng ra đồng không muốn về. Vậy là vụ sau toàn dân nô nức xin cấy. Lúc đầu chưa quen phải căng dây căn hàng từ đầu đến cuối ruộng, sau đã thạo chỉ cần căng dây một lần rồi ước lượng bằng mắt là được.

“Giờ cỡ 99% dân trong thôn cấy kiểu này trừ những người ở nơi khác mới về làm dâu, vụ đầu chỉ biết đứng ngắm, vụ sau mới học được. Cấy kiểu này giảm được nhiều thứ như giống (từ 1,5 kg/sào xuống 7-800 gram/sào), công cấy (1 ngày được 2 sào), công làm cỏ. Lượng phân bón tuy vẫn như cũ nhưng số dảnh hữu hiệu trên khóm từ 7-8 lên 15, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất vượt 15%.

Ngoài ra còn hạn chế được nhiều loại sâu bệnh nhất là khô vằn và rầy bởi rầy thì ưa tối còn hàng biên lại có nhiều ánh sáng nên trước phun 2-3 lần thuốc BVTV/vụ giờ chỉ còn 1 lần”, anh Hải nói.

Anh Lê Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đống Cao xã Văn Tiến đang kiểm tra một ruộng lúa của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lê Thanh Hải - Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đống Cao xã Văn Tiến đang kiểm tra một ruộng lúa của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo anh Nguyễn Như Thuyên - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt BVTV huyện Yên Lạc cấy lúa hàng rộng hàng hẹp để tạo ra hiệu ứng hàng biên là sáng tạo của kỹ sư Chu Văn Tiệp, thử nghiệm đầu tiên ở hai xã Nguyệt Đức và Văn Tiến. Điều kiện để áp dụng kỹ thuật này là đất phải tốt vì cấy thưa nên lúa đẻ rất khỏe, bón phân sớm ngay từ lúc mới đẻ nhánh.

Để khuyến khích biện pháp kỹ thuật mới này Yên Lạc đã hỗ trợ mỗi xã 1 mô hình 1 ha được cấp ngay 100.000đ/sào. Về sau các xã thấy dân thích còn tự xuất quỹ ra chứ không trông chờ huyện. Những nơi nào kỹ thuật này đã vào là không bỏ bởi năng suất tăng 20-30 kg/sào. Hơn thế hàng biên còn giúp cho dân lội xuống chăm bón dễ dàng, ruộng đồng thông thoáng nên ít sâu bệnh nhất là vụ xuân, bệnh khô vằn giảm cỡ 60%.

Nếu thêm rắc vôi bột lúc làm đất để khử chua thì không phải phun thuốc sâu nữa thay vì 2 lần như trước. Hiện xã Nguyệt Đức, Văn Tiến cấy theo kiểu này gần 100% còn tỷ lệ cao có các xã Tề Lỗ, Trung Nguyên, Đồng Văn, Tam Hồng… Tổng diện tích áp dụng trên toàn huyện cỡ hơn 1.000 ha.

Thấy hay, năm 2018 lãnh đạo huyện Bình Xuyên có xuống huyện Yên Lạc để học. Khi về, hộ anh Trần Đình Độ ở thị trấn Hương Canh làm đầu tiên, đạt năng suất kỷ lục 3,4 tạ thóc/sào. Nhưng kỹ thuật này sau mấy vụ vẫn không phát triển được ở Bình Xuyên như ở Yên Lạc phần bởi máy cấy đã có nhiều, nông dân muốn thuê cho nhanh để dành thời gian làm việc khác, phần bởi cấy hàng rộng hàng hẹp cũng có đôi chút cách rách... 

Cán bộ Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hào quang một thủa và chuyện của hôm nay

Nông nghiệp có trách nhiệm phải làm từ cái gốc là chỉ đạo sản xuất. Như anh Thuyên hiện đang làm Trạm trưởng Trạm Trồng trọt BVTV huyện Yên Lạc với hơn 6.100 ha đất canh tác kiêm Trạm trưởng Trạm Trồng trọt BVTV huyện Bình Xuyên với hơn 4.300 ha đất canh tác. Tuy phụ trách rộng như thế nhưng Trạm Trồng trọt BVTV Yên Lạc chỉ có 1,5 người và Bình Xuyên cũng chỉ có 1,5 người. Cụ thể mỗi nơi có 1 nhân viên còn ông Trạm trưởng thì phụ trách chung hai huyện.

Đã thế, khác với Hà Nội có nhân viên BVTV cấp xã thì Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh khác không có nên việc làm nhiều lúc không xuể. Nhân viên Trạm BVTV huyện khi cần thống kê lượng thuốc BVTV sử dụng không thể kiểm tra được lượng hàng các đại lý bán ra mà chỉ ước lượng bằng cách tính theo mấy lượt bà con vẫn quen phun rồi nhân với diện tích.

Suốt hàng chục năm nay cán bộ nông nghiệp ngày càng thiếu hụt ở Vĩnh Phúc vì vấn đề siết chặt biên chế, người nghỉ hưu thì có nhưng người thay thế thì không. Mỗi Trạm Trồng trọt BVTV giờ chỉ có 1,5 người đến nhiều nhất là 2 người, may mà hệ thống này chưa bị sáp nhập vào với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông để thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp như một số tỉnh.

Các lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT đếm trên đầu ngón tay không mấy ai xuất thân từ nông nghiệp trong khi nhiệm vụ quàng vào mỗi lúc một nhiều. Phó Chủ tịch huyện phụ khối nông nghiệp nhiều người cũng chuyên môn từ ngành khác.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi tôi nhắc đến chương trình IPM, ánh mắt của ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc chợt xa xôi, đắm chìm trong những hồi ức. Thời ấy, tỉnh được FAO đặt một trung tâm đào tạo IPM nguồn cho cả nước. Thời ấy, tức hơn 20 năm trước tỉnh còn đặt ra mục tiêu sản xuất rau sạch tương tự như cách làm hữu cơ ngày nay, về sau, thấy mục tiêu đó là hơi sớm, khó thực hiện nên mới đổi thành rau an toàn cho sát với đời sống.

Thời cuộc khiến tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh cứ nhỏ đi nhưng nói lãnh đạo Vĩnh Phúc không quan tâm đến nông nghiệp cũng không đúng. Hỗ trợ cho sản xuất nông hộ vẫn nhiều nhưng mang tính an sinh là chính chứ chưa làm cho nền nông nghiệp của tỉnh bật lên được quy mô hàng hóa lớn được…

Nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ mới có Nghị định 109, các tiêu chí đưa ra để đánh giá còn chưa hoàn hảo, diện tích đề ra còn khiêm tốn thì Vĩnh Phúc đã có chương trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022 do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật chỉ đạo, tổng hỗ trợ 28 tỉ, mỗi năm thực hiện 1.664 ha bằng cách cho 50% phân bón hữu cơ. Còn chương trình sản xuất rau VietGAP do Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo riêng năm 2021 thực hiện 1.840 ha bằng cách cho một phần giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, có giá trị 15,4 tỉ.

Sản xuất rau an toàn tại HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc xã Kim Long, huyện Tam Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản xuất rau an toàn tại HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc xã Kim Long, huyện Tam Dương. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Có một thời chương trình IPM của cả nước bị lơ đi, chính trong một cuộc tổng kết của Bộ Nông nghiệp và PTNT tôi đã nêu lên chuyện phải khôi phục. Bộ sau đó có văn bản chỉ đạo, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng tiếp tục làm. Trước đây, tôi từng nói với Chi cục BVTV nên thống kê xem toàn tỉnh có bao nhiêu hộ làm nông, bao nhiêu bình phun thuốc, sau đó theo dõi xem mỗi năm tiếp theo số lượng bình phun thuốc giảm hay tăng.

Nếu mà giảm thì chỉ đạo của mình là tốt còn nếu tăng thì ngược lại. Thực tế là số lượng bình phun tôi cảm nhận là giảm trông thấy. Hầu hết các gia đình ở quê giờ thường có vài người làm ngoài, vài người làm ruộng. Họ vẫn có niềm tin là tự phải cứu mình trước bằng cách cấy lúa, trồng rau sạch để mà ăn, nuôi sống cả nhà cùng những người thân.

Gia đình tôi ở quê đã quẳng bình phun thuốc đi từ hơn 10 năm nay rồi, họ hàng cũng nhiều người làm như vậy. Họ thường cấy lúa vụ xuân để ăn cả năm còn vụ mùa ngập úng, sâu bệnh nhiều không muốn cấy, thậm chí còn có quan điểm cho đất nghỉ", ông Dũng chia sẻ.

Thống kê, vụ xuân tỉnh Vĩnh Phúc cấy 29.500 ha nhưng vụ mùa chỉ khoảng 23.500 ha. Trừ những diện tích bị ngập úng hay chuyển sang làm cái khác là bỏ vụ. Có những cánh đồng bỏ cả vài chục đến hàng trăm ha, nhất là ở những nơi giàu có. Nông nghiệp ngày càng bị đẩy ra vùng sâu, vùng xa.

Đời công tác của tôi gắn với cây lúa, thấy một thời gian tương đối dài ở miền Bắc bộ giống lúa gần như là thuần Việt. Tôi sang Viện lúa Quốc tế nơi sưu tập bộ gen lúa khắp thế giới có cả Tám Xoan, Di truyền 10 của mình… Sau mở cửa, giống lúa của thế giới tràn vào, giờ ước chiếm đến 80-90 %. Làm sao tìm lại những gì vốn quý của ông cha? Trong chăn nuôi có con gà ri, gà Mía, gà Đông Tảo, lợn ỉ… Trong trồng trọt tôi rất mong có những giống thuần Việt.

Quy mô ruộng đất của Vĩnh Phúc rất nhỏ, mỗi hộ trung bình 5-6 sào nhưng chia ra làm 8-9 thửa. Dòng lao động trong nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ bởi thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Tình trạng đó là chung nhưng ở Vĩnh Phúc thấy rõ nét nhất bởi là địa phương công nghiệp hóa mạnh. Chính vì vậy đa số doanh nghiệp nông nghiệp, HTX không lớn lên được theo quy luật.

Tổng lao động nông nghiệp của tỉnh khoảng 180.000 người, chiếm 28,5%. Tính đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp ước 10.357 tỉ đồng, chiếm 6,8% trong cơ cấu kinh tế. Về loại hình sản xuất, quy mô hộ là chủ yếu trong đó thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp có khoảng 90.000 hộ.

Giá trị sản xuất của kinh tế hộ ước đạt 9.800 tỉ đồng, tương đương 94,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Thu nhập của nông dân nói chung vẫn còn rất thấp so với nguồn lực đầu tư. Doanh nghiệp nông nghiệp có khoảng 50 với khoảng 1.300 lao động, giá trị sản xuất 250 tỉ đồng, chiếm 2,5% giá trị sản xuất toàn ngành. HTX có 265 với hơn 93.000 thành viên, doanh thu bình quân 784 triệu/HTX/năm, giá trị sản xuất 300 tỉ đồng, chiếm 3% giá trị sản xuất toàn ngành.

Loại hình sản xuất mà tỉnh đang muốn tác động là doanh nghiệp, HTX thì vẫn còn rất èo uột. Theo logic thay vì quản lý cả chục vạn hộ nông dân thì quản lý các doanh nghiệp, HTX sẽ dễ hơn. Nhưng doanh nghiệp nông nghiệp rủi ro quá lớn nên dễ bỏ cuộc.

Mấy năm trước, khi có một doanh nghiệp lớn đầu tư vào Vĩnh Phúc, chúng tôi mơ ước sẽ tạo nên cú hích về công nghệ cao, làm thay đổi diện mạo cho nông nghiệp của tỉnh. Ban đầu ngoài sản xuất công nghệ cao đúng chuẩn trong khoảng 20 ha nhà lưới thì họ còn liên kết với hàng ngàn hộ dân, doanh nghiệp nhỏ để sản xuất theo chuẩn VietGAP rồi bao tiêu. Nhưng trong vòng mấy năm, năm nào họ cũng báo lỗ và cuối cùng chỉ giữ xung quanh 80 ha để tự tổ chức sản xuất mà giờ cũng đã đổi chủ mảng này rồi”.

(Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm