Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc (Trung tâm), từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 7.000 hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời, thẩm định hồ sơ và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 6.500 người.
Khẳng định vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội, bà Trần Thị Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: "Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi không may mất việc làm sẽ được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Cùng với đó, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.
Điểm đáng lưu ý nhất trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp không phải là việc trợ cấp cho người lao động mà là trao cho họ cơ hội học nghề, lựa chọn nghề nghiệp mới, phù hợp để sớm tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống."
Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cho thấy nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi tích cực. Họ xác định được ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, từ đó đã thúc đẩy việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường liên kết giữa người sử dụng lao động và người lao động trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp để người lao động, đơn vị sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mặt khác, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, hướng nghiệp cho người lao động, đưa người lao động bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động; thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đúng chế độ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.