| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Thịnh đi lên bằng chính nghề nông

Thứ Sáu 10/08/2018 , 09:03 (GMT+7)

Về đích nông thôn mới (NTM) năm 2017, lại có cây cầu mang tên xã được thông quan, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có thể đi lên vững chắc bằng chính nghề nông. Bởi tục ngữ có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”.

"Xã bò sữa"

Nói đến huyện Vĩnh Tường, là nói đến bò sữa. Đàn bò sữa của huyện Vĩnh Tường chiếm 90% số bò sữa trong tỉnh. Còn nói đến Vĩnh Thịnh, cũng là nói đến cái "rốn" bò sữa của huyện. Đàn bò sữa của Vĩnh Thịnh hiện nay có tới 6.000 con, cũng chiếm 90% số bò sữa có trong huyện.

13-49-29_img_0021
Trang trại bò sữa

Có người nói vui rằng, Vĩnh Thịnh đi lên từ… cỏ. Quả thật, chỉ cần từ cầu Vĩnh Thịnh nhìn xuống, đã thấy bạt ngàn là cỏ. Giống cỏ voi tốt bời bời, trông xa tưởng cánh đồng mía. Diện tích lúa của Vĩnh Thịnh có 195,3ha, diện tích ngô có 132,1ha, thì diện tích trồng cỏ đã tới 180ha, gần bằng diện tích trồng lúa và cao hơn diện tích trồng ngô.

Nuôi bò sữa đương nhiên phải kết hợp nhiều loại thức ăn giàu dinh dưỡng như cám công nghiệp, ngô, đậu tương…, nhưng chủ lực vẫn là cỏ. Và thức ăn giàu dinh dưỡng hiện nay, đáp ứng khối lượng và chất lượng cho bò sữa, chính là cỏ voi.

Lợi thế của cỏ voi, là có thể tận dụng đất bãi, đất ven đường, ven bờ ao, bờ hồ. Nhờ thế, đàn bò sữa ở Vĩnh Thịnh phát triển nhanh chóng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sữa bò của Vĩnh Thịnh được các công ty sữa hàng đầu của Việt Nam như Vinamilk, “Cô gái Hà Lan” đón nhận, thu mua với giá cao hơn các nơi khác, do chất lượng sữa tươi khá tốt.

Có lẽ do có “cây cầu chiến lược” mà Vĩnh Thịnh phát triển nhanh những con đường liên thôn, đường nội đồng… Con đường vào trung tâm xã mới mở rộng, phẳng lì, trông như quốc lộ. Tuy nhiên, hình như xã mới chỉ chú ý đến bộ mặt của trung tâm, mà chưa đầu tư nhiều vào các con đường thôn, xóm. Phát triển nhanh nhưng lại không đồng bộ, đó là điểm hạn chế của Vĩnh Thịnh.

Mô hình SX nông nghiệp khá phổ biến của Vĩnh Thịnh, là mô hình VAC. Theo ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã thì mô hình VAC ở Vĩnh Thịnh rất phát triển, đặc biệt từ 2010. Lúc này phong trào làm trang trại hình thành và bắt đầu lan rộng.

13-49-29_img_0017
Cỏ voi cho bò
Có những thôn như Khách Nhi Xuôi, Khách Nhi Ngược hình thành một khu trang trại liên hoàn. Các trang trại giống nhau ở chỗ theo mô hình VAC, tức là chuồng trên bờ, dưới là hồ, ao. Bên cạnh là vườn. Các hộ nuôi dựng một ngôi nhà ven hồ, vừa để tiện trông coi, vừa tiện chăm sóc. Đó là một mô hình hay ở Vĩnh Thịnh.

Đi tiên phong trong phong trào này, là nuôi bò sữa. Lúc đầu mỗi nhà chỉ nuôi 2 - 3 con. Sau phát triển lên 9 - 10 con. Rồi tới 20 - 30 con. Ở Vĩnh Thịnh có 2 mô hình nuôi bò sữa phổ biến: Nuôi gia trại và nuôi trang trại. Gia trại chỉ nuôi 2 - 3 con. Chuồng bò ngay cạnh gia đình. Lao động do gia gia chủ, hoặc con, cháu gia chủ chăm sóc. Nuôi trang trại có quy mô lớn hơn, và cũng chuyên nghiệp hơn. Trang trại chủ yếu ở một khu riêng, tách rời với nơi ở. 
 

Phát triển kinh tế, đồng thời xây dựng NTM

Mặc dù về đích NTM từ 2017, đạt 19/19 tiêu chí, nhưng điều trăn trở nhất của Vĩnh Thịnh, chính là môi trường còn bị ô nhiễm. Cũng theo ông Nguyễn Phùng Xuân, số hộ nuôi bò nói chung và nuôi bò sữa nói riêng ở Vĩnh Thịnh, đa số vẫn là theo kiểu gia trại. Số nuôi trang trại mới chỉ chiếm khoảng 20%. Phát triển chăn nuôi, người dân không những có thu nhập ổn định, mà còn khá cao.

Nhưng “mặt trái” cũng từ đây. Việc nuôi gia súc theo kiểu liền kề nơi ở gây ô nhiễm tới môi trường sống. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ chăn nuôi bò sữa làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cây lương thực. Diện tích ao nuôi thì ngày càng bị thu hẹp.

Nhưng công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư vẫn chưa đạt hiệu quả. Hiện xã đang tiến hành đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2017 và định hướng đến 2020. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Tuy nhiên, chừng nào các gia trại chăn nuôi còn tồn tại, tức là khu chăn nuôi gia súc, gia cầm liền kề khu dân cư, thì chừng đó vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhức nhối. Đó là điều băn khoăn, trăn trở nhất ở một xã đã đạt chuẩn NTM, như Vĩnh Thịnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.